bn-current-user-online-portlet

Online : 2820
Total visited : 151038477

Ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án Bắc Ninh phấn đấu không còn thực phẩm không an toàn, giai đoạn 2022-2025

31/10/2022 21:17 View Count: 97

Đồng chí Vương Quốc Tuấn - Ủy viên Dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh vừa ký ban hành Kế hoạch số 498/KH-UBND ngày 28/10/2022 về thực hiện Đề án “Bắc Ninh phấn đấu không còn thực phẩm không an toàn” giai đoạn 2022-2025.

Kế hoạch đề ra mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh triển khai các biện pháp nhằm đảm bảo ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm và nâng cao vai trò của các cấp, các ngành, các cơ quan quản lý nhà nước về ATTP; đẩy mạnh quy hoạch và phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh; tăng cường kiểm soát chất lượng, nguồn gốc nguyên liệu, sản phẩm thực phẩm và phát triển chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản an toàn; nâng cao nhận thức, tạo sự chuyển biến rõ rệt trong hành vi đảm bảo ATTP của người sản xuất, chế biến, kinh doanh và người tiêu dùng thực phẩm.


Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một trong những mục tiêu Kế hoạch hướng đến

Theo đó, 6 mục tiêu và chỉ tiêu cụ thể được xác định tập trung thực hiện đến năm 2025. Bao gồm: (1) Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các quy định của pháp luật về ATTP.  (2) Đẩy mạnh phát triển sản xuất nông sản an toàn theo hướng nâng cao tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 40% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp; phát triển chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản an toàn; Phấn đấu đến năm 2025, các sản phẩm thực phẩm được chứng nhận OCOP chiếm khoảng 60% trong tổng số các sản phẩm được chứng nhận OCOP. (3) Nâng cao tỉ lệ tuân thủ các quy định của pháp luật về ATTP của các cơ sở sản xuất ban đầu, các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm và các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Cụ thể: 90% nông dân trồng rau thực hiện cam kết sản xuất rau an toàn; 80% cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ thực hiện cam kết chăn nuôi an toàn; Đến năm 2025, tăng thêm 01-02 điểm giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh; 100% cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP hoặc ký cam kết đảm bảo ATTP theo quy định của pháp luật. (4) Kiểm soát chặt chẽ các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, các sản phẩm thực phẩm được lưu thông trên thị trường: 100% sản phẩm thực phẩm đăng ký bản công bố sản phẩm, 100% sản phẩm thực phẩm đã chứng nhận OCOP được thực hiện gắn tem truy xuất nguồn gốc; 100% các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm được thanh tra, kiểm tra, giám sát định kỳ hàng năm; Đến năm 2025, 100% các chợ phù hợp quy hoạch được kiểm soát nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm. (5) Ngăn ngừa có hiệu quả tình trạng ngộ độc thực phẩm cấp tính và các bệnh truyền qua thực phẩm. (6) Tiếp tục kiện toàn, củng cố tổ chức, bộ máy hệ thống quản lý ATTP từ tỉnh đến xã. Nâng cao vai trò, trách nhiệm, năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước của các cấp, các ngành, các địa phương về ATTP. Đến năm 2025: 100% tuyến xã/phường/thị trấn có cán bộ bán chuyên trách làm công tác ATTP.

Theo kế hoạch, giai đoạn 2011-2025, tỉnh Bắc Ninh tiếp tục duy trì thực hiện 03 đề án và 04 tiểu đề án giai đoạn 2017-2021. Đồng thời xây dựng, triển khai 05 dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được phê duyệt theo Kế hoạch 595/KH-UBND ngày 14/9/2021 của UBND tỉnh về đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hàng hóa giai đoạn 2021-2025; Xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật địa phương đối với sản phẩm thực phẩm đặc trưng của địa phương và các đề án ATTP.

Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và các cơ quan liên quan, UBND các huyện, thành phố nghiêm túc triển khai thực hiện Kế hoạch. Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo Hội Nông dân các cấp đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tích cực tham gia các hoạt động đảm bảo ATTP gắn với các phong trào thi đua của Hội; thực hiện tốt cuộc vận động “Nông dân Bắc Ninh nói không với thực phẩm không an toàn”; hướng dẫn, tập huấn và nhân rộng các mô hình, quy trình sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn; hỗ trợ xây dựng, kết nối cơ sở sản xuất nông sản thực phẩm an toàn với nhà phân phối, tiêu thụ sản phẩm; tổ chức các Hội nghị tôn vinh các sản phẩm nông nghiệp an toàn và tiêu biểu, Hội nghị xây dựng vùng nguyên liệu, bao tiêu sản phẩm nông nghiệp cho nông dân; tăng cường hoạt động giám sát về đảm bảo ATTP trên địa bàn./.

Nguyễn Thu (t/h)