bn-current-user-online-portlet
Văn hóa giao thông từ việc nhường đường cho người đi bộ
Thực trạng tham gia giao thông hiện nay cho thấy, ở những nơi không có đèn tín hiệu giao thông, người dân mỗi khi qua đường là một lần “thót tim” hoảng hốt, phải nhìn trước ngó sau, luồn lách, vẫy tay xin đường dù đang đi trên chính làn đường ưu tiên của mình. Và thực tế đã có những vụ tai nạn thương tâm xảy ra đối với người đi bộ. Điều này cho thấy, ý thức của các chủ phương tiện tham gia giao thông chưa cao, là một trong những nguyên nhân dẫn đến trật tự ATGT hỗn loạn, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông tăng cao.
Chị Nguyễn Khánh M đi bộ từ chỗ làm tại toà nhà VNPT, đường Lý Thái Tổ để về nhà khu vực đường Nguyễn Trãi (TP Bắc Ninh), bất ngờ bị một thanh niên sinh năm 2005, lái xe máy tông trực diện vào chị, khiến chị bị chấn động não và gãy xương sườn. Vụ tai nạn vừa xảy ra đầu tháng 12 vừa qua, mặc dù không gây hậu quả nghiêm trọng, song cũng là lời cảnh tỉnh sâu sắc cho ý thức chấp hành giao thông của một bộ phận thanh, thiếu niên nói riêng và người tham gia giao thông nói chung hiện nay.
Quan sát thực tế tại nút giao thông ngã tư đường Nguyễn Gia Thiều và đường Nguyễn Đăng Đạo, một trong những điểm phạt nguội của thành phố Bắc Ninh, vẫn diễn ra tình trạng xe phóng nhanh, vượt ẩu, chuyển làn, lượn lách, thậm chỉ chủ phương tiện mô tô, xe máy còn đi cả lên vỉa hè dành cho người đi bộ, khiến không ít người tham gia giao thông bức xúc. Nhiều người dân, đặc biệt là người già, các em học sinh rất e ngại khi phải đi bộ sang đường. Họ đều có chung một sự căng thẳng hiện rõ trên khuôn mặt, thậm chí nhiều người bất lực với việc sang đường hay phải mất khoảng thời gian khá lâu mới sang được làn đường mình cần đi. Mặc dù người đi bộ đi đúng vạch đường ưu tiên.
Các phương tiện liên tục di chuyển, người đi bộ mất rất nhiều thời gian qua đường.
Luật Giao thông đường bộ đã quy định cụ thể những trường hợp phải nhường đường cho người đi bộ tại nơi có vạch kẻ đường và những nơi không có vạch kẻ; trong những trường hợp vượt, cũng như khi chuyển hướng, quay đầu xe chủ phương tiện phải đi chậm lại và chú ý quan sát. Dù quy định khá rõ ràng và có mức hình phạt cụ thể đối với các phương tiện không tuân thủ Luật, nhưng thực tế, số lượng các phương tiện chủ động nhường đường cho người đi bộ là rất ít, do ý thức chấp hành pháp luật ATGT của một bộ phận lái xe kém, văn hóa nhường đường của nhiều người dân còn hạn chế. Đó cũng là một trong những nguyên nhân gây ùn tắc giao thông, va quệt giao thông trên đường hiện nay.
Mỗi người tham gia giao thông chấp hành nghiêm Luật Giao thông, biết nhường đường cho người đi bộ, cũng chính là nét đẹp trong văn hóa giao thông. Đặc biệt, “văn hóa nhường đường” trong tham gia giao thông càng cần phải triển khai thực hiện trong hệ thống trường học nhằm trang bị cho các em học sinh, thế hệ trẻ kiến thức, ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông, hình thành nét văn hoá giao thông cho các em ngay từ khi còn nhỏ, từ đó, tạo nền tảng, hạt nhân lan rộng trong thế hệ trẻ và toàn xã hội.
Trong chương trình xây dựng Tỉnh an toàn giao thông, tỉnh đã xây dựng và triển khai sâu rộng Bộ quy tắc “Văn hoá giao thông” của người Bắc Ninh- Kinh Bắc đến các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức, doanh nghiệp, trường học và cộng đồng dân cư, nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật ATGT cho mọi tầng lớp nhân dân. Trong đó văn hoá nhường nhịn khi xảy ra các tình huống giao thông trên đường nói chung và văn hoá nhường đường cho người đi bộ nói riêng rất được chú trọng, dần hình thành môi trường giao thông an toàn, thân thiện.
Được biết, hiện nay, tất cả cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đều triển khai đồng bộ, hiệu quả Bộ quy tắc “Văn hoá giao thông”. Cụ thể, Công an tỉnh chỉ đạo Đoàn thanh niên tiếp tục phối hợp triển khai phong trào tuổi trẻ Bắc Ninh xung kích tham gia xây dựng “Tỉnh an toàn giao thông”; tuyên truyền qua tin nhắn tới 202.772 thuê bao di động về trật tự ATGT. Sở Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền qua kênh “Chính quyền điện tử Bắc Ninh” trên Zalo, Fanpage “Bắc Ninh 24h” trên mạng xã hội Facebook… Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức ký cam kết bảo đảm trật tự giao thông giữa các cơ sở giáo dục mầm non, TH, THCS, THPT trong toàn tỉnh; đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền, giáo dục ATGT, văn hoá giao thông thông qua giảng dạy lồng ghép trong các môn học chính khoá, mô hình thực tế, các hoạt động ngoại khoá...; triển khai mô hình “Cổng trường an toàn”, “Xếp hàng đón con”; xây dựng Bộ tài liệu dành cho cha mẹ. Ban ATGT tỉnh tổ chức thường xuyên, liên tục các buổi tuyên truyền lưu động, tuyên truyền trực tiếp tại các tuyến đường, địa bàn trọng điểm, trong các khu công nghiệp, trường học… Tất cả nhằm từng bước làm chuyển biến nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật ATGT của mọi tầng lớp nhân dân, ở đó văn hoá giao thông là yếu tố hàng đầu để hình thành trật tự ATGT nền nếp, ổn định.
- HND Tiên Du khánh thành và bàn giao nhà Nghĩa tình Nông dân (01/11/2024 21:30)
- Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11/2024 (01/11/2024 08:57)
- Hội nghị công bố tỉnh Bắc Ninh không còn hộ nghèo (01/11/2024 08:54)
- Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang vi phạm nồng độ cồn, không hợp tác với lực lượng chức năng trong xử lý vi phạm (01/11/2024 08:51)
- Góp sức làm nên thành công trong xây dựng Tỉnh ATGT (29/10/2024 14:14)
- Tai nạn giao thông tháng 1-2024 giảm trên cả 3 tiêu chí (25/01/2024 14:23)
- Tăng cường tuần tra, kiểm soát giữ vững trật tự ATGT (25/01/2024 14:21)
- Công an Quế Võ tham gia xây dựng “Tỉnh an toàn giao thông” (23/01/2024 09:08)
- Thành phố Bắc Ninh tăng cường quản lý trật tự đô thị dịp cuối năm (23/01/2024 09:06)
- Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông-trật tự xã hội dịp Tết và Lễ hội đầu Xuân 2024 (18/01/2024 13:39)