Thống kê truy cập

Online : 3959
Đã truy cập : 150760969

Dự thảo Luật Đất đai góp phần khơi thông nguồn lực đất đai

06/07/2023 14:14 Số lượt xem: 52

Giải quyết những điểm nghẽn, gỡ bỏ những nút thắt chồng chéo, khơi thông nguồn lực đất đai, giúp ổn định đời sống xã hội, tiếp thêm động lực cho thị trường bất động sản… là đích đến của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội cuối tháng 5 vừa qua. Với quan điểm lắng nghe, cởi mở, tôn trọng tiếp thu, Luật Đất đai mới thực sự có bước tiến quan trọng về chất lượng, tạo hành lang pháp lý vững vàng trong sử dụng nguồn lực đất đai cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nói chung cũng như đời sống, sinh kế của mỗi người dân nói riêng.

Đã có hơn 12 lượt triệu ý kiến tham gia góp ý vào sửa đổi Luật Đất đai mới (tỉnh Bắc Ninh có hơn 19.000 lượt ý kiến). Luật Đất đai là một trong số các Luật có tác động to lớn đến sự phát triển kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng của đất nước cũng như đời sống của người dân. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thực sự kế thừa những kết quả đạt được, bổ sung những nội dung mới, sửa đổi những nội dung không phù hợp của Luật Đất đai năm 2013; có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp Nhân dân; được Bộ Tài nguyên và Môi trường chuẩn bị công phu, bài bản, đã tiếp thu và chỉnh sửa nhiều nội dung phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được lấy ý kiến rộng rãi trong toàn dân, đảm bảo sự công bằng, thống nhất của hệ thống pháp luật về đất đai với các pháp luật khác có liên quan; tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, thiết lập công cụ kiểm soát quyền lực của cơ quan và người có thẩm quyền trong quản lý đất đai; làm rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước các cấp và quyền chủ thể của Nhân dân, quyền của các tổ chức, cá nhân sử dụng đất đai. Việc lấy ý kiến Nhân dân hiệu quả, thiết thực đã mang lại cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) hơi thở từ cuộc sống, được Ủy ban Kinh tế Quốc hội đánh giá là “có bước tiến quan trọng về chất lượng”, góp phần khơi thông nguồn lực đất đai, là công cụ quan trọng để giải quyết các điểm nghẽn, vướng mắc mà ở đó vai trò của Nhân dân được làm chủ thể.


Khai thác tiềm năng, thế mạnh từ đất đai, phục vụ mục tiêu phát triển.

Với quan điểm, Luật Đất đai cần bám sát thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo để nghiên cứu sửa Luật, cố gắng giải quyết những vướng mắc, bất cập trong khai thác, sử dụng nguồn lực đất đai, vì đây là nguồn lực quan trọng của đất nước. Nhiều vấn đề lớn được đề cập và thu hút sự quan tâm của đông đảo tầng lớp Nhân dân như: Thu hồi đất có sự thay đổi lớn theo hướng cụ thể hơn, đến từng trường hợp bị thu hồi đất, với 3 nhóm: thu hồi đất để xây dựng công trình công cộng; thu hồi đất để xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, công trình sự nghiệp; thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng khác. Làm rõ nguyên tắc, căn cứ, phương pháp định giá đất; định hướng thiết kế các quy định về phát triển quỹ đất; đổi mới tư duy về Nhà nước đầu tư phát triển quỹ đất để đáp ứng nhu cầu sử dụng đất của các dự án đầu tư và các dự án tái định cư; về cấp giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất, sẽ mở rộng thời hạn về thời điểm sử dụng đất để xem xét cấp giấy chứng nhận cho người sử dụng đất; phương pháp định giá đất theo nguyên tắc thị trường, bảo đảm hài hoà lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư…

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với nhiều nội dung được sửa đổi chi tiết, sát thực tế và có tính khả thi cao, cần nhanh chóng cụ thể các quy định vào thực tiễn để tài nguyên đất đai thực sự là nguồn lực của sự phát triển. Từng bước thể chế hóa Nghị quyết 18 NQ/TW của Đảng về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa đất nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”.

Nguồn: Báo Bắc Ninh