Thống kê truy cập
Hiệu quả các mô hình chi Hội, tổ Hội nghề nghiệp của nông dân
Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HNDTW ngày 05/8/2019 của BCH Trung ương Hội Nông dân (HND) Việt Nam (khóa VII) đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều mô hình chi Hội, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp gắn với đặc thù từng lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, mang lại hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho hội viên nông dân.
HND tỉnh đã chỉ đạo các cơ sở Hội đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thành lập các chi Hội, tổ Hội nghề nghiệp phù hợp với điều kiện thực tiễn từng địa phương; đưa nội dung thành lập chi Hội, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp là 1 tiêu chí trong các chỉ tiêu đánh giá, xếp loại thi đua hàng năm. Kết quả, từ năm 2020 đến nay Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã hướng dẫn và hỗ trợ thành lập được 46 chi Hội Nông dân nghề nghiệp với 1.518 thành viên; 460 tổ Hội Nông dân nghề nghiệp với 3.177 thành viên. Hoạt động theo nguyên tắc “5 tự”, “5 cùng”; đó là “Tự giác, tự nguyện, tự chủ, tự quản, tự chịu trách nhiệm” và “Cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; cùng mối quan tâm; cùng có sự chia sẻ; cùng chịu trách nhiệm; cùng hưởng lợi”.
Thường trực HND tỉnh thăm mô hình sản xuất của chi Hội nghề nghiệp May công nghiệp xã Bình Định, Lương Tài
Trong số 46 chi Hội nghề nghiệp, có 14 chi Hội thuộc lĩnh vực trồng trọt, 08 chi Hội thuộc lĩnh vực VAC, 06 chi Hội nuôi trồng thủy sản; 04 chi Hội sản xuất đồ gỗ; 04 chi Hội sản xuất thực phẩm (bún, bánh cuốn, bánh tráng); 05 chi Hội nghề may; 02 chi Hội dịch vụ nhà trọ; 01 chi Hội sản xuất Giấy vệ sinh; 01 chi Hội nấu ăn; 01 chi Hội chăn nuôi, giết mổ, chế biến thực phẩm. Đặc biệt, có 01 chi Hội nghề nghiệp măng tây xanh do Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh trực tiếp chỉ đạo thành lập gồm 32 hội viên là những hộ nông dân đang trực tiếp sản xuất, kinh doanh cây măng tây xanh và các sản phẩm chế biến từ măng tây xanh trên địa bàn toàn tỉnh. Đến nay đã kết nạp thêm 09 hội viên, nâng tổng số hội viên chi Hội là 41 hội viên với tổng diện tích sản xuất gần 14ha.
Đối với 460 tổ Hội nghề nghiệp, các lĩnh vực tập trung chủ yếu là nuôi trồng thủy sản, VAC, chăn nuôi tổng hợp, trồng cây ăn quả, trồng rau an toàn và 1 số ngành nghề truyền thống như nghề mộc, may gia công, sản xuất lúa…
Anh Vũ Kim Thanh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Định, huyện Lương Tài cho biết: Thực hiện chỉ đạo của HND tỉnh và sự hướng dẫn của HND huyện, nhận thấy địa phương có tổ, nhóm nghề may công nghiệp phát triển tự phát từ nhiều năm nay. Ban Chấp hành HND xã đã tuyên truyền, vận động các hộ hội viên đang hoạt động trong lĩnh vực may công nghiệp để thành lập Chi Hội nghề nghiệp May công nghiệp xã Bình Định. Chi Hội đã thu hút được 29 hội viên tham gia. Khi tham gia sinh hoạt chi Hội, các hội viên rất phấn khởi, hào hứng, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình sản xuất, liên kết giới thiệu mối hàng để cùng nhau mở rộng sản xuất, tạo nguồn hàng ổn định.
Các mô hình chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp đã có sức lan tỏa và được xây dựng ở hầu khắp các các địa phương; về cơ bản các chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp đã đi vào hoạt động nền nếp, thiết thực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của hội viên, nông dân, tạo được mối liên kết chặt chẽ giữa hội viên với hội viên, hội viên với tổ chức Hội, xây dựng các chi Hội Nông dân ngày càng vững mạnh. Đồng thời hoạt động của các chi Hội, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp đã tạo ra 1 kênh sinh hoạt mới cho hội viên, nông dân; thu hút đông đảo hội viên, nông dân tham gia. Sau khi thành lập, thành viên các chi/tổ Hội Nông dân nghề nghiệp sẽ được tập huấn kiến thức phát triển kinh tế, KHKT phù hợp với lĩnh vực hoạt động do Hội Nông dân các cấp tổ chức; thông qua các buổi sinh hoạt định kỳ đã tạo điều kiện để các thành viên của chi, tổ Hội được giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh, cùng nhau phát triển sản xuất, liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm…
Để khuyến khích hội viên tham gia vào các chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, Hội Nông dân tỉnh đã đổi mới cách làm. Đó là ưu tiên hỗ trợ cho vay vốn từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân đối với thành viên của các chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp. Hiện nay, nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân do Hội Nông dân tỉnh đang quản lý là 114,512 tỷ đồng. Trong đó, nguồn Trung ương Hội ủy thác 16,6 tỷ đồng, nguồn ngân sách tỉnh cấp 99,8 tỷ đồng, nguồn cấp huyện quản lý trên 13,7 tỷ đồng. Nhờ sử dụng nguồn vốn đúng mục đích nên các mô hình đều phát huy được hiệu quả đồng vốn, tạo việc làm, tăng thu nhập cho các hộ hội viên.
Chi Hội Măng tây xanh do HND tỉnh hướng dẫn thành lập duy trì hoạt động hiệu quả
Đánh giá về kết quả thực hiện mô hình chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp trên địa bàn, đồng chí Nguyễn Đăng Khang - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh khẳng định: Qua gần 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 04 của BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về xây dựng chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp của các cấp Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh đã đạt được những kết quả rõ rệt. Số chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội nông dân nghề nghiệp được thành lập mới tăng lên, phân bố đều ở 8/8 đơn vị HND cấp huyện với đa dạng các ngành nghề hoạt động. Từ quá trình xây dựng và duy trì hoạt động của mô hình chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp cho thấy hiệu quả thiết thực, không chỉ đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng và lợi ích thiết thực của hội viên, nông dân, mà còn góp phần phát triển nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Từ đó tạo động lực đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội ở các địa phương. Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh được Trung ương Hội đánh giá là một trong những địa phương tiêu biểu trong công tác triển khai thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả của các chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp.
Có thể khẳng định, mô hình chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp đã tạo sự gắn kết giữa việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng tổ chức Hội vững mạnh với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương, phát triển nông nghiệp bền vững và xây dựng nông thôn mới. Thời gian tới, các cấp HND trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh xây dựng chi Hội nghề nghiệp, tổ Hội nghề nghiệp, góp phần đa dạng hóa mô hình tổ chức HND ở cơ sở theo hướng thiết thực, hiệu quả; tạo điều kiện thuận lợi tiến tới thành lập các tổ hợp tác, HTX, thúc đẩy liên kết, phát triển sản xuất nông sản hàng hóa tại các địa phương./.
- HND Tiên Du khánh thành và bàn giao nhà Nghĩa tình Nông dân (01/11/2024 21:30)
- Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11/2024 (01/11/2024 08:57)
- Hội nghị công bố tỉnh Bắc Ninh không còn hộ nghèo (01/11/2024 08:54)
- Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang vi phạm nồng độ cồn, không hợp tác với lực lượng chức năng trong xử lý vi phạm (01/11/2024 08:51)
- Góp sức làm nên thành công trong xây dựng Tỉnh ATGT (29/10/2024 14:14)
- HND tỉnh: Chú trọng công tác tuyên truyền cho cán bộ, hội viên, nông dân (12/12/2022 14:15)
- HND tỉnh: Phối hợp tổ chức hội nghị truyền thông “Làm cha trách nhiệm” (08/12/2022 16:20)
- Kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 61 tỉnh Bắc Ninh (08/12/2022 15:50)
- Nâng cao nhận thức của nông dân về an toàn VSTP (03/12/2022 14:55)
- Phó Chủ tịch Thường trực Hội NDVN Phạm Tiến Nam chủ trì Hội nghị giao ban Cụm thi đua số 3 (01/12/2022 08:11)