Thống kê truy cập

Online : 3242
Đã truy cập : 150760556

Khi ý Đảng hợp lòng Dân

09/05/2024 15:57 Số lượt xem: 12

Sau 1 năm triển khai thí điểm xây dựng “Tỉnh an toàn giao thông”, tình hình bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã có những đổi thay tích cực. Những cung đường thông thoáng, các bất cập về giao thông được xử lý dứt điểm, tai nạn giao thông (TNGT) giảm sâu cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết, số người bị thương... Điều quan trọng hơn cả là trách nhiệm của các cấp, các ngành và ý thức mỗi người dân với vấn đề ATGT được nâng lên rõ rệt. Ý Đảng hợp lòng Dân trong việc triển khai xây dựng “Tỉnh ATGT” chính là bài học kinh nghiệm quý và tiền đề quan trọng để Bắc Ninh và các địa phương nhân rộng mô hình, làm tốt công tác bảo đảm ATGT vì sự phát triển bền vững, vì an toàn, hạnh phúc nhân dân.

Lực lượng công an trong tỉnh tích cực tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự ATGT, giáo dục kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho học sinh.

Kỳ 1: Phát huy sức mạnh tổng hợp

Ngay khi được Bộ Công an chọn làm điểm toàn quốc xây dựng “Tỉnh ATGT”, ngày 15-3-2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 87-NQ/TU về xây dựng “Tỉnh ATGT”. Nghị quyết 87 có ý nghĩa to lớn và tính nhân văn sâu sắc với cả mục tiêu phát triển của tỉnh và mong ước của người dân nên nhận được sự quan tâm, đồng thuận cao, vào cuộc thực hiện quyết liệt của cả hệ thống chính trị cùng toàn dân, qua đó phát huy sức mạnh tổng hợp để vượt qua khó khăn, giành được kết quả nổi bật.


Nhiều khẩu hiệu tuyên truyền bảo đảm ATGT được các lực lượng chức năng treo ở các tuyến đường góp phần nâng cao ý thức người dân.

Một Nghị quyết trúng và đúng

Sau 27 năm tái lập tỉnh, Bắc Ninh đã phát triển lên tầm cao mới, trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại với nhiều chỉ tiêu đứng trong tốp dẫn đầu cả nước và đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Tuy nhiên, đi liền với sự phát triển cũng còn nhiều bất cập trong tổ chức giao thông; tình hình TNGT diễn biến khó lường, phức tạp; ý thức tham gia giao thông của một bộ phận người dân còn hạn chế… Bởi thế, ngay khi được Bộ Công an lựa chọn làm điểm xây dựng mô hình “Tỉnh ATGT”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh ban hành Nghị quyết số 87/NQ-TU, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 71/KH-UBND về xây dựng “Tỉnh ATGT” với mục tiêu phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và toàn dân tham gia bảo đảm trật tự ATGT, quyết tâm tạo chuyển biến tích cực nhằm thay đổi diện mạo, tình hình trật tự ATGT trên địa bàn, góp phần đắc lực vào công cuộc phát triển của tỉnh.
Nghị quyết 87 được cụ thể hóa bằng Kế hoạch 71 là một chủ trương đúng và trúng, đáp ứng được nguyện vọng của người dân toàn tỉnh trong việc giải quyết những vấn đề bức xúc về bảo đảm trật tự ATGT, vì mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh và bảo vệ tính mạng, tài sản và cuộc sống nhân dân. Đồng chí Vũ Đức Khuông, Bí thư Đảng ủy xã Đại Bái (Gia Bình) cho biết: “Nghị quyết 87 được ban hành cho thấy sự quan tâm sâu sắc của các cấp, các ngành đến vấn đề bảo đảm ATGT và cuộc sống người dân. Nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghị quyết, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đại Bái tích cực triển khai. Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến công tác quán triệt, tuyên truyền để mỗi cán bộ, đảng viên nhận thức rõ trách nhiệm, nêu cao vai trò tiền phong, gương mẫu, cùng người dân thực hiện tốt công tác bảo đảm ATGT trên địa bàn”. Còn bà Nguyễn Thị Lan ở phường Hồ (thị xã Thuận Thành) chia sẻ: “Qua các buổi sinh hoạt của Hội Phụ nữ và các CLB ở khu, chúng tôi được quán triệt cụ thể về chủ trương xây dựng “Tỉnh ATGT”. Chúng tôi hiểu rằng, việc thực hiện tốt Nghị quyết không chỉ giúp mỗi địa phương ổn định và phát triển mà còn vì an toàn của mỗi người nên bảo nhau, khuyên nhủ con, cháu thực hiện”.
Với ý nghĩa quan trọng và mang tính nhân văn sâu sắc, hợp lòng dân nên trong một năm qua cả hệ thống chính trị đã vào cuộc đồng bộ, quyết liệt để Nghị quyết 87 thấm sâu vào đời sống. Nghị quyết 87 và Kế hoạch 71 đã được tổ chức quán triệt, triển khai đến tận các chi bộ, khu phố, thôn xóm. 100% các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố đều ban hành và tích cực triển khai kế hoạch thực hiện với những giải pháp đồng bộ, phù hợp với đặc điểm thực tiễn của từng địa phương, đơn vị nên mang tính khả thi cao.

Cùng với tuyên truyền, CSGT trong tỉnh tăng cường tuần tra, xử lý các vi phạm về trật tự ATGT.

Thay đổi nhận thức, tạo sự đồng thuận cao

Xác định công tác tuyên truyền là một trong những nhiệm vụ quan trọng, “chìa khóa” làm thay đổi nhận thức và hành động của toàn xã hội nên ngay khi triển khai, công tác tuyên truyền đã được cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt nhằm làm thay đổi nhận thức, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội về tinh thần, trách nhiệm xây dựng “Tỉnh ATGT”.
Để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả cao, các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, đoàn thể trong tỉnh đã có nhiều cách làm, hình thức sáng tạo, phù hợp với từng đối tượng. Điển hình như: Công an tỉnh xây dựng Bản cam kết mẫu, tài liệu tuyên truyền tóm lược tinh thần của Nghị quyết, Kế hoạch để các cơ quan, đơn vị, nhà trường, doanh nghiệp, khu dân cư, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề tổ chức tuyên truyền, ký cam kết; xây dựng khẩu hiệu về xây dựng “Tỉnh ATGT”, văn hóa giao thông để các ban, ngành, địa phương in ấn, treo ở 100% nhà văn hóa, thôn, khu phố. Phối hợp với các nhà mạng tuyên truyền qua tin nhắn 5 triệu lượt thuê bao di động. Chỉ đạo công an cấp xã phối hợp với Đoàn Thanh niên xã, phường, thị trấn đồng loạt ra quân treo khẩu hiệu, logo tuyên truyền tại 100% các đầu ngõ, xóm, thôn, khu phố; ngã ba, ngã tư, nhà văn hóa, cổng trường học, đặc biệt lối vào các khu phố, KCN, CCN, làng nghề… Sở Thông tin và Truyền thông tuyên truyền qua kênh “Chính quyền điện tử Bắc Ninh” trên Zalo, Fanpage “Bắc Ninh 24h” trên mạng xã hội Facebook; phát động cuộc thi mô hình, sáng kiến “ATGT tỉnh Bắc Ninh năm 2023”. Ban Tuyên giáo đưa nội dung xây dựng “Tỉnh ATGT” vào giao ban báo chí hằng tháng. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch mở các hội thi tuyên truyền lưu động; triển lãm tranh, ảnh cổ động; treo nhiều pano, khẩu hiệu… Sở Giáo dục và Đào tạo ký cam kết bảo đảm trật tự ATGT, đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền văn hoá giao thông thông qua giảng dạy lồng ghép trong các môn học chính khoá, mô hình thực tế, các hoạt động ngoại khoá… Sở Nội vụ ban hành Quy chế văn hóa công sở, văn hóa giao thông và chuẩn mực đạo đức, ứng xử, giao tiếp của công chức, viên chức, người lao động; tổ chức các chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo ký Bản cam kết chấp hành nghiêm quy định về bảo đảm ATGT và thực hiện Bộ tiêu chí văn hóa giao thông… Ban ATGT tỉnh phối hợp với sở, ngành, địa phương tổ chức hàng trăm buổi tuyên truyền ATGT. Các đoàn thể, địa phương, đơn vị, các cơ quan báo chí, truyền thông… tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, in, treo băng rôn, pano, áp phích, trên hệ thống loa truyền thanh…

hờ được tuyên truyền kịp thời, hiệu quả nên không những cán bộ, đảng viên mà đông đảo các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đều có chung nhận thức về trách nhiệm tham gia thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT tại cơ quan, đơn vị và địa bàn sinh sống và làm việc. Điển hình như ở khu vực chợ Phủ (phường Phố Mới, thị xã Quế Võ) nằm ven Quốc lộ 18, trước đây thường diễn ra tình trạng người dân bán hàng ven đường ảnh hưởng không nhỏ đến việc lưu thông của các phương tiện. Sau khi triển khai xây dựng “Tỉnh ATGT”, người dân, các hộ dân ven đường đều ký cam kết chấp hành các qui định giữ gìn trật tự ATGT và tự giác tháo dỡ mái che, mái vẩy, biển quảng cáo vi phạm qui định; hiện đường thông, hè thoáng… Hay tại nhiều cổng trường Tiểu học, THCS trên địa bàn thành phố Bắc Ninh trước đây tình trạng phụ huynh chờ đón con, em diễn ra lộn xộn, nhiều điểm gây ùn tắc giao thông cục bộ song nhờ được tuyên truyền, vận động và tổ chức thực hiện nên đến nay phụ huynh học sinh đã cơ bản thực hiện tốt mô hình “xếp hàng đón con”, hạn chế tối đa tình trạng ùn tắc…
Đó chỉ là hai trong hàng loạt chuyển biến từ tư duy, nhận thức thức đến hành động của người dân về bảo đảm ATGT. Bởi vậy, có thể khẳng định, Nghị quyết 87 đã và đang ngấm sâu vào đời sống người dân, nhận được sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi tổ chức, cá nhân tạo ra quyết tâm lớn trong toàn xã hội. Từ các gia đình, dòng họ đều tích cực vận động con, cháu thực hiện tốt các qui định về bảo đảm ATGT. Các thôn, làng, khu phố xây dựng các mô hình điểm, đoạn đường tự quản về ATGT, đưa tiêu chí bảo đảm ATGT vào xét gia đình văn hóa, làng văn hóa. Các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể, sát thực để cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, đoàn viên, hội viên, công nhân, người lao động thực hiện đồng thời tham gia cùng các cấp, ngành trong việc giữ gìn, bảo đảm trật tự ATGT...

Thiếu tá Nguyễn Văn Nhật, Đội phó Đội CSGT-Trật tự (Công an huyện Yên Phong) cho biết: Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, ý thức của người tham gia giao thông nói chung đã nâng lên. Nhiều lỗi vi phạm trước đây giờ giảm rõ rệt, nhất là tình trạng sử dụng rượu, bia rồi tham gia giao thông, không chấp hành tín hiệu đèn giao thông, chạy quá tốc độ… Đây sẽ là tiền đề quan trọng để công tác bảo đảm ATGT đạt kết quả tích cực và bền vững”.
Khi ý Đảng thuận lòng dân đã tạo ra sự đồng lòng, quyết tâm cao trong công tác bảo đảm trật tự ATGT. Đây chính là yếu tố then chốt, quyết định, tạo nên sức mạnh tổng hợp để thực hiện thành công “Tỉnh ATGT” và tạo tiền đề vững chắc đưa công tác bảo đảm trật tự ATGT đi vào nền nếp, góp phần xây dựng và phát triển quê hương Bắc Ninh ngày càng giàu mạnh, văn minh.

Nguồn: Báo Bắc Ninh