Thống kê truy cập

Online : 4188
Đã truy cập : 150807243

Phấn đấu đến năm 2030, Bắc Ninh có trên 30% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu

30/11/2022 09:44 Số lượt xem: 123

Ngày 25/11/2022, đồng chí Nguyễn Hương Giang - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh thay mặt BCH Đảng bộ tỉnh ký ban hành Chương trình hành động số 41-CTr/TU về thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.


Phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn, ứng dụng CNC

Chương trình đặt mục tiêu tổng quát đến năm 2030: Lấy công nghiệp để thúc đẩy nông nghiệp, xây dựng giai cấp nông dân và cư dân nông thôn có trình độ, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng cao, làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nông nghiệp phát triển theo hướng an toàn, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hiệu quả, bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng biến đổi khí hậu. Nông thôn phát triển toàn diện, kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại gắn với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, giữ gìn và phát huy bản sắc Bắc Ninh - Kinh Bắc; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; xây dựng tổ chức đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030: Tốc độ tăng trưởng GRDP lĩnh vực nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 0,8-1%/năm; tốc độ tăng năng suất lao động nông nghiệp đạt ít nhất 6,2%/năm. 100% các xã duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới; có khoảng 65% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trên 30% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có ít nhất 03 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao/huyện NTM kiểu mẫu. Nâng cao thu nhập của người dân; thu nhập bình quân của cư dân nông thôn tăng ít nhất 2,5 lần so với năm 2020; không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia. Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội dưới 10%; tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo đạt trên 70%. Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đạt trên 90%. Tỷ lệ che phủ rừng duy trì ở mức 0,65%.

Tầm nhìn đến năm 2045: Nông dân và cư dân nông thôn văn minh, phát triển toàn diện, có thu nhập cao. Nông nghiệp sinh thái, thông minh, chất lượng cao, chế biến sâu với công nghệ tiên tiến, sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, thân thiện với môi trường. Nông thôn hiện đại, điều kiện sống tiệm cận với đô thị, giàu bản sắc văn hoá dân tộc, môi trường sống xanh, sạch, đẹp, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc.

Theo đó, 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được Chương trình chỉ rõ. Đó là:

(1) Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp ở nông thôn.

(2) Nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và người dân nông thôn.

Chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục, đào tạo, góp phần nâng cao nhận thức, năng lực, trình độ, học vấn cho nông dân và người dân nông thôn để đổi mới, sáng tạo, ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản, làm giàu từ nông nghiệp, nông thôn.

Đổi mới đào tạo nghề cho lao động nông thôn; chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn theo hướng tăng lao động trong khu vực công nghiệp, dịch vụ, giảm lao động nông nghiệp. Đẩy mạnh các phong trào nông dân khởi nghiệp, thi đua sản xuất kinh doanh, cùng nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng về giáo dục, đào tạo, y tế, văn hoá, thể thao cho nông dân và người dân nông thôn; thực hiện tốt các chính sách, chương trình mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn.

(3) Phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng.

Tiếp tục cơ cấu lại nông nghiệp hiệu quả, khai thác và phát huy lợi thế của từng vùng, địa phương; phát triển nông nghiệp hàng hoá theo hướng hiện đại, chuyên canh chất lượng cao.

Đổi mới mạnh mẽ, tạo đột phá trong tổ chức lại sản xuất, phát triển mạnh trang trại, HTX, doanh nghiệp nông nghiệp, thúc đẩy liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị. Tăng cường hợp tác, kết nối cung cầu, kết nối thị trường…

(4) Phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn.

Xây dựng và tổ chức triển khai hiệu quả các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn, gắn phát triển nông nghiệp với phát triển công nghiệp, dịch vụ thông qua hình thành và phát triển các chuỗi liên kết sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản.

Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Bảo tồn, phát triển các ngành nghề, dịch vụ nông thôn, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái .Thực hiện hiệu quả Chương trình mỗi xã, phường, thị trấn một sản phẩm (OCOP) gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống.

 (5) Xây dựng nông thôn theo hướng hiện đại gắn với đô thị hóa.

Xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện, bền vững gắn với đô thị hoá, bảo đảm thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả, vì lợi ích của người dân. Khuyến khích xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, đưa nông thôn thực sự trở thành “nơi đáng sống”. Xây dựng nông thôn mới thông minh, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số; tiếp tục phát triển kinh tế dịch vụ du lịch nông thôn.

(6) Triển khai thực hiện thể chế, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Tiếp tục triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đồng thời tiếp tục rà soát, nghiên cứu nâng cao chất lượng cơ chế chính sách đặc thù của địa phương, trọng tâm là quản lý, sử dụng bền vững, hiệu quả đất nông nghiệp; thúc đẩy tích tụ, tập trung, sử dụng linh hoạt đất nông nghiệp; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người có đất thu hồi theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật.

(7) Tạo đột phá trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; đào tạo nguồn nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn.

Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các thành tựu khoa học công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường trong sản xuất, bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản.

Khuyến khích doanh nghiệp và người dân ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh, kết nối cung - cầu, đẩy mạnh thương mại điện tử, truy xuất nguồn gốc và kiểm soát an toàn thực phẩm.

(8) Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường nông thôn, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai.

Quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên đất, tài nguyên rừng, tài nguyên nước gắn với bảo tồn đa dạng sinh học. Quy hoạch, sử dụng đất đai trong xây dựng, phát triển bền vững kinh tế nông thôn.

Khuyến khích phát triển nông nghiệp tuần hoàn, tái sử dụng phụ phẩm, áp dụng công nghệ mới, tiên tiến, thân thiện môi trường, từng bước tạo điều kiện tái tạo các nguồn tài nguyên cơ bản; xử lý và tái sử dụng phụ phẩm nông sản, chất thải nông nghiệp; từng bước giảm thiểu và chấm dứt sử dụng hóa chất, nguyên vật liệu tổng hợp, khó phân hủy.

Tăng cường công tác thông tin, dự báo, cảnh báo sớm thiên tai và các điều kiện khí hậu, thời tiết cực đoan; lồng ghép nhiệm vụ ứng phó biến đổi khí hậu trong các chương trình, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

(9) Chủ động hội nhập, hợp tác quốc tế, mở rộng thị trường, thu hút nguồn lực và khoa học - công nghệ.

Đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, hỗ trợ liên kết tiêu thụ nông sản

Giữ ổn định các thị trường nông sản truyền thống, chú trọng phát triển thị trường trong nước, chủ động khai thác hiệu quả cơ hội từ các Hiệp định thương mai tự do (FTA), mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu chính ngạch. Triển khai hiệu quả công tác quảng bá, xúc tiến thương mại dựa trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Đẩy mạnh thí điểm các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh. Mở rộng hợp tác quốc tế, chuyển giao công nghệ mới, tiên tiến. Tăng cường hợp tác trong ứng phó biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước, phòng, chống dịch bệnh./.

Nguyễn Thu (tổng hợp)