Thống kê truy cập

Online : 3860
Đã truy cập : 151108724

Tăng sức đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn

22/10/2019 14:30 Số lượt xem: 110

Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn có hiệu lực từ ngày 25-7-2015. Sau hơn 4 năm thực hiện đã tạo bước đột phá mới trong phát triển “tam nông”. Hiện tại với dư nợ 13.400 tỷ đồng vốn của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh tỉnh Bắc Ninh đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn góp phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng Nông thôn mới.

Nghị định 55 là bước đột phá để khơi thông nguồn vốn cho phát triển “tam nông”, đáng chú ý là những thay đổi quan trọng về mức cho vay tín chấp được nâng lên từ 1,5 đến 2 lần so với quy định cũ. Trong đó, ưu tiên cho các tổ chức đầu mối tham gia mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp có thể được vay không có tài sản bảo đảm lên đến 70% - 80% giá trị dự án, phương án sản xuất, kinh doanh… Ngoài nâng hạn mức cho vay, Nghị định 55 còn bổ sung thêm đối tượng vay vốn là các cá nhân, gia đình sinh sống tại thành phố, thị xã tham gia sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Như vậy, không chỉ doanh nghiệp hoạt động tại địa bàn nông thôn, mà doanh nghiệp khu vực đô thị đầu tư chế biến, kinh doanh nông sản, cung cấp vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp cũng được vay nguồn vốn ưu đãi này.
Theo đại diện lãnh đạo Agribank chi nhánh tỉnh: Để triển khai đưa Nghị định vào cuộc sống, ngân hàng tổ chức tập huấn nội dung đến toàn thể đội ngũ cán bộ làm nghiệp vụ tín dụng, hướng dẫn về quy trình, thủ tục cho vay theo hướng rõ ràng, minh bạch, đơn giản tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận nguồn vốn; tuyên truyền sâu, rộng về những điểm mới của chính sách tín dụng và những lợi ích được hưởng từ chính sách tín dụng của Chính phủ. 

 

Anh Đào Viết Xuê (Phù Lương, Quế Võ) được vay vốn theo NĐ 55 phát triển mô hình trang trại mang lại hiệu quả kinh tế.


Agribank chi nhánh tỉnh triển khai cho vay vốn theo hạn mức tín dụng đối với hộ sản xuất, kinh doanh quy mô nhỏ theo Quyết định số 889/QĐ-NHNo-HSX ngày 29-8-2014 của Tổng Giám đốc Agribank, thời hạn vay 36 tháng, mức cấp tín dụng tối đa là 200 triệu đồng, thủ tục cho vay đơn giản, đáp ứng tốt hơn các nhu cầu vốn vay ngắn hạn, trung hạn và dài hạn phục vụ sản xuất và đời sống. Phối hợp với các tổ chức đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ triển khai thực hiện tốt công tác cho vay đối với hộ, cá nhân thông qua tổ liên kết theo Quyết định số 14/QĐ-NHNo-HSX ngày 9-1-2015 của Tổng Giám đốc Agribank. 
Tính đến trung tuần tháng 10, Agribank chi nhánh tỉnh có tổng dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 13.400  tỷ đồng, chiếm gần 50% tổng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn cho hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Sau hơn 4 năm thực hiện Nghị định 55, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn của Chi nhánh tăng hơn 6.000 tỷ đồng.  
 Gặt hái được nhiều thành công từ mô hình chăn nuôi tổng hợp, anh Đào Viết Xuê, thôn Phù Lang, xã Phù Lương (Quế Võ) vay vốn Agribank huyện trước đó để đầu tư sản xuất. Năm 2015, được Agribank Quế Võ giới thiệu về chương trình cho vay theo Nghị định 55, anh quyết định vay 4 tỷ đồng tiếp tục mở rộng quy mô trang trại. Anh Xuê cho biết:  “Nhờ nguồn vốn Agribank đến nay mô hình chăn nuôi tổng hợp của gia đình phát huy hiệu quả. Hiện trang trại có 1.000 con lợn thịt, 50 lợn nái. Ngoài nuôi lợn, gia đình cải tạo 4 ha ao, đầu tư nuôi cá theo quy trình công nghệ cao. Riêng về cá, năm 2018 cho thu nhập hơn 400 triệu đồng…” 
Nguồn vốn vay theo Nghị định 55 giúp gia đình ông Nguyễn Văn Tích, xã Việt Đoàn (Tiên Du) trồng cây ăn quả mang lại giá trị kinh tế cao. Ông Tích cho hay: Trước đây theo Nghị định 41 thì hộ vay vốn tín chấp chỉ được 50 triệu đồng, đến nay Nghị định 55 số vốn được vay tăng lên nhiều và mở rộng đối tượng vay. Gia đình tôi được vay 250 triệu đồng thuê đất trồng cây ăn quả. Hiện với gần 5 mẫu vườn trồng các loại cây chủ lực như: Bưởi Diễn, nhãn, cam Canh, táo, ổi, trừ các khoản chi phí, mỗi năm cho thu lãi 250-300 triệu đồng”. 
Nghị định 55 ra đời khắc phục được nhiều hạn chế của Nghị định 41/2010/NĐ-CP trước đó, được các cấp, ngành và người dân nhiệt tình ủng hộ, đánh giá cao. Điều đáng mừng là tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế có thêm nhiều cơ hội tiếp cận nguồn vốn tín dụng với mức lãi suất thấp, mức vay không bảo đảm bằng tài sản được nâng lên để phát triển sản xuất. Đây cũng là một trong những chính sách ưu việt góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng Nông thôn mới. 

Nguồn: Báo Bắc Ninh