Thống kê truy cập

Online : 3649
Đã truy cập : 151078501

Tạo động lực xây dựng nông thôn mới

22/11/2021 09:29 Số lượt xem: 150

HTX là mô hình luôn gắn liền với nông nghiệp, nông dân, nông thôn, là cơ sở và lực lượng cốt lõi để phát triển kinh tế-xã hội bền vững. Vai trò của HTX được thể hiện rõ nét trong quá trình xây dựng NTM và phát triển kinh tế hộ với sự đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng kinh tế và đóng góp gián tiếp tới kinh tế hộ thành viên.


 

HTX rau, củ quả nông sản an toàn, thôn Liên Ấp, xã Việt Đoàn (Tiên Du) sản xuất theo quy trình VietGap.


Phát huy nội lực của kinh tế tập thể, Bắc Ninh chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật HTX, các chương trình phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM cho cán bộ, thành viên HTX, để họ thấy rõ được vai trò, nhiệm vụ trong thực hiện chương trình xây dựng NTM ở địa phương. Tỉnh ban hành các chính sách khuyến khích tích tụ ruộng đất, quy hoạch vùng sản xuất tập trung, tạo điều kiện để các HTX đầu tư, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến công tác chuyển đổi, tổ chức lại hoạt động của các HTX theo Luật HTX năm 2012; phát triển các mô hình HTX kiểu mới hoạt động hiệu quả; hỗ trợ các HTX tiếp cận thị trường, định hướng sản phẩm chủ lực; hỗ trợ vay vốn đầu tư mở rộng sản xuất, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, trang bị kiến thức quản trị kinh doanh cho đội ngũ cán bộ HTX nhằm đổi mới tư duy phát triển kinh tế, tiếp cận thị trường… Nhờ đó, kinh tế HTX có bước phát triển mới về số lượng, chất lượng; hoạt động được nâng cao với nhiều loại hình dịch vụ, tạo điều kiện cho các thành viên, hộ nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương. 
Bắc Ninh hiện có 225 HTX hoạt động theo mô hình HTX kiểu mới, trong đó 75% HTX có ký kết hợp đồng bao tiêu đầu ra sản phẩm cho thành viên. 136 HTX được thành lập và hoạt động hiệu quả theo tiêu chí “tổ chức sản xuất” của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Có 5 HTX nông nghiệp sở hữu 7 sản phẩm OCOP, với 2 sản phẩm đạt 3 sao và 5 sản phẩm đạt 4 sao, và hàng chục HTX có nhãn hiệu hàng hóa, với truy xuất nguồn gốc… đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường về số lượng lẫn chất lượng, có ký kết hợp đồng tiêu thụ dài hạn với doanh nghiệp, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. So với các HTX sản xuất theo mô hình truyền thống, HTX sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị có chi phí sản xuất, kinh doanh giảm từ 5-8%, thu nhập của thành viên tăng 20-25%; chất lượng sản phẩm tăng, giá bán ổn định và mang lại nhiều lợi ích. Doanh thu bình quân 1 HTX nông nghiệp năm 2021 ước đạt là 765 triệu đồng, tăng 2,5 lần so năm 2013, lãi bình quân ước đạt 160 triệu đồng/HTX, tăng 1,8 lần so năm 2013...
Thực tế cho thấy, giữa hộ thành viên HTX với hộ không phải là thành viên HTX về năng suất lao động không chênh nhau nhưng hiệu quả có sự chênh lệch rõ rệt. Các hộ thành viên HTX bán hàng với giá cao hơn các hộ không phải thành viên HTX khoảng hơn 10%, chi phí sản xuất giảm khoảng 25%. Thu nhập của hộ thành viên HTX cao hơn các hộ không phải thành viên HTX khoảng 30%.  Trong lĩnh vực nông nghiệp, HTX giúp cho thu nhập của hộ thành viên tăng trung bình 14% nhờ việc giảm giá các vật tư, phân bón đầu vào và tăng giá bán đầu ra các sản phẩm. Nếu chỉ tính riêng các HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả thì tỷ lệ này đạt 20%. Trong lĩnh vực chăn nuôi nhiều tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới hiện đại đang được áp dụng rộng rãi vào sản xuất cho hiệu quả cao, điển hình là công nghệ chuồng kín với hệ thống làm mát, điều khiển nhiệt độ chuồng nuôi, máng ăn và nước uống tự động và các tiến bộ kỹ thuật trong lai tạo giống vật nuôi. 
Với vai trò là điểm tựa của xã viên, các HTX như: HTX rau, củ quả nông sản an toàn thôn Liên Ấp, xã Việt Đoàn (Tiên Du); HTX dịch vụ Bút Lâm (thị trấn Chờ, Yên Phong); HTX sản xuất, dịch vụ nông nghiệp Cao Sơn (Tam Giang, Yên Phong), HTX Long Khám (Tiên Du)... là “đầu mối” cung ứng nguyên liệu, cấp giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật canh tác, cho đến bao tiêu sản phẩm giúp xã viên yên tâm sản xuất, phát huy tiềm năng đất đai, nâng cao thu nhập và cung cấp nhiều sản phẩm sạch cho người tiêu dùng. Ngược lại, xã viên có trách nhiệm thực hiện theo kế hoạch sản xuất và thực hiện đúng quy trình quy phạm kỹ thuật trồng trọt được hướng dẫn. Nhờ đó có nhiều HTX sản xuất rau an toàn cho thu nhập 400 - 500 triệu đồng/ha.
Trong xây dựng nông thôn mới, HTX nông nghiệp đóng vai trò nòng cốt trong việc thực hiện các mô hình sản xuất theo quy hoạch; thực hiện tiêu chí nâng cao thu nhập cho nông dân; triển khai các Đề án, Dự án trong xây dựng nông thôn mới; phát huy vai trò của các thành viên trong việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Liên kết sản xuất, phát triển HTX là một trong 19 chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới. Bắc Ninh đã có 39 HTX nông nghiệp tham gia liên kết theo chuỗi chế biến - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và 19 doanh nghiệp liên kết trong sản xuất, thu hoạch chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Có 6 HTX sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực được Liên minh HTX Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận, tiêu biểu như: HTX nuôi trồng thủy sản Trường Mạnh (Thuận Thành), HTX nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao Liêm Anh (Tiên Du), HTX Khương Huy (Thuận Thành), HTX nông nghiệp sạch Việt Nam (Gia Bình)… 
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cạnh tranh gay gắt, xu hướng sử dụng hàng hóa an toàn, có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng cao, đòi hỏi các HTX phải thích ứng với thị trường bằng những sản phẩm đạt tiêu chuẩn. Các HTX phải hợp tác, liên kết sản xuất, đẩy mạnh thực hiện liên kết ngang giữa những người sản xuất và liên kết dọc theo chuỗi giá trị sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm xuất khẩu. Do vậy, các HTX cần tiếp tục đổi mới hoạt động, mở rộng quy mô sản xuất. Nhân rộng các mô hình kinh tế HTX gắn với chuỗi giá trị, tạo động lực cho quá trình xây dựng NTM gắn với thực hiện tốt Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân. Tích cực triển khai thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, phát triển sản phẩm OCOP, chú trọng đầu tư xây dựng vùng sản xuất công nghệ cao, phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh.

Thái Uyên