Thống kê truy cập

Online : 3473
Đã truy cập : 151102199

Tiềm ẩn tai nạn giao thông vì dựng rạp dưới lòng đường

27/12/2023 13:56 Số lượt xem: 44

Luật Giao thông đường bộ quy định lòng đường và hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông; nghiêm cấm việc sử dụng lòng đường, lề đường, hè phố trái phép. Khoản 4, Điều 12, Nghị định 46/2016/NĐ-CP qui định: Hành vi dựng rạp trái phép trong phạm vi dành cho đường bộ sẽ bị phạt tiền từ 2-3 triệu đồng đối với cá nhân, từ 4-6 triệu đồng đối với tổ chức. Đáng chú ý, trường hợp dựng rạp để phục vụ việc hiếu, hỉ mà lấn ra giữa đường dẫn đến tai nạn chết người thì cá nhân vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm theo Điều 203 Bộ luật Hình sự về “Tội cản trở giao thông đường bộ”. Quy định là vậy, nhưng trên thực tế, nhiều gia đình khi có việc, vẫn ngang nhiên dựng rạp xuống lòng đường. Còn về phía chính quyền và các cơ quan chức năng cũng chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý dứt điểm, triệt để tình trạng này, vẫn chủ yếu là vận động, tuyên truyền, thế nên “phép vua vẫn thua lệ làng”.

Nguy hiểm là thế, song trên thực tế, hiện tình trạng dựng rạp lấn chiếm lòng đường vẫn đặc biệt trong “mùa cưới” dịp đầu và cuối năm. Không chỉ dựng rạp cưới, rạp tang, kể cả rạp liên hoan, văn nghệ, tất niên… đều được người dân “vô tư” tổ chức dưới lòng, lề đường. Có nhà còn ngang nhiên chiếm cả lối đi duy nhất của ngõ, cản trở việc lưu thông của người dân.
Nguyên nhân của việc người dân tự ý dựng rạp khi nhà có việc ở dưới lòng đường thì có nhiều, song chủ yếu là do thói quen tiện đâu làm đấy của một bộ phận người dân khi nghĩ rằng việc hỉ thì “trăm năm mới có một lần”, việc hiếu thì do “tang gia bối rối”. Hay do diện tích nhà chật hẹp, kinh tế khó khăn nên không thể thuê mượn địa điểm tổ chức sự kiện chuyên nghiệp được…Trong khi đó việc quản lý, xử phạt của các cơ quan chức năng có thẩm quyền còn nể nang lúng túng. Mới chỉ dừng ở mức độ nhắc nhở vì nghĩ rằng cũng toàn chỗ thân quen, người làng, xã nên không xử lý.


Một gia đình chuẩn bị dựng rạp cưới dưới lòng đường Hoàng Văn Thụ (phường Kinh Bắc, thành phố Bắc Ninh).


Một lái xe Taxi trên địa bàn thành phố Bắc Ninh bức xúc: Có hôm trên cùng một tuyến đường tôi gặp đến 2-3 cái rạp cưới. Nhiều đám dựng rạp dài đến cả chục mét, lấn trọn làn đường, buộc người đi xe phải lấn sang làn đường ngược chiều để đi. Khổ nhất là gặp phải rạp ở những khúc cua, khuất tầm nhìn khiến lái xe vừa phải xử lý gấp vừa lo va chạm với xe ngược chiều. Vẫn biết là gia đình có công việc, diện tích nhà, vỉa hè chật hẹp, không dựng rạp tràn xuống đường thì không có cách nào khác, nhưng các cơ quan chức năng cũng nên đẩy mạnh tuyên truyền và có biện pháp xử lý nghiêm tình trạng này. Không thể để người dân cứ đề tấm biển “gia đình có việc, mong thông cảm” là vô tư dựng rạp, đặt rào chắn chiếm trọn lòng đường được. Đừng vì việc riêng của gia đình mà ảnh hưởng đến giao thông chung của xã hội.
Ông Nguyễn Đức Tám, Phó Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh khuyến cáo: Để ngăn chặn tình trạng người dân lấn chiếm lòng, lề đường dựng rạp thì ngoài nỗ lực của lực lượng chức năng còn cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cấp chính quyền, nhất là người đứng đầu ở địa phương cơ sở. Bên cạnh việc yêu cầu các hộ ký cam kết không vi phạm hành lang ATGT khi nhà có việc hiếu, hỉ, chính quyền địa phương phải huy động sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể như: Mặt trận Tổ quốc, Thanh niên, Phụ nữ, Nông dân, Cựu chiến binh... vận động trước hết là đội ngũ cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên nêu gương nghiêm túc chấp hành. Kiên quyết xử phạt hành chính hoặc cưỡng chế dỡ rạp những trường hợp cố tình vi phạm. Khuyến khích người dân có việc đến các địa điểm tổ chức sự kiện, hoặc sử dụng hệ thống nhà văn hóa, các khu đất trống để dựng rạp tổ chức sự kiện, vừa văn minh lịch sự trong việc cưới, việc tang, vừa bảo đảm an toàn, phòng tránh được những tai nạn đáng tiếc xảy ra.

Nguồn: Báo Bắc Ninh