Thống kê truy cập

Online : 3224
Đã truy cập : 151038699

Từ Sơn xây dựng văn hóa giao thông trên cơ sở thượng tôn pháp luật

20/02/2024 08:20 Số lượt xem: 37

“Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn” là chủ đề công tác đảm bảo an toàn giao thông năm 2024 của Bắc Ninh, do Ban ATGT tỉnh xây dựng và triển khai nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và xây dựng văn hóa giao thông an toàn trên địa bàn với mục tiêu giảm tai nạn giao thông trên địa bàn từ 5 đến 10% cả về số vụ, số người chết và số người bị thương.


Mô hình xếp hàng đón con ở Trường tiểu học Đình Bảng 2 thành phố Từ Sơn.  Ảnh: Xuân Khương

Để mọi người hiểu và chấp hành nghiêm Luật Giao thông thì cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị trong việc đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho mọi người dân thấy rõ sự cần thiết phải chấp hành nghiêm luật giao thông, coi trọng tính mạng của con người, cảnh báo nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông, những lỗi là nguyên nhân gây tai nạn giao thông như: lỗi uống rượu bia không làm chủ được tốc độ, hướng đi; Người điều khiển xe không đúng làn đường, phần đường;  Không quan sát khi chuyển hướng và sang đường…Tuyên truyền để mọi người bảo vệ bản thân qua việc chủ động đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy tham gia giao thông.  Đặc biệt tuyên truyền  để mọi người hiểu rõ vai trò và trách nhiệm của mình trong xã hội về xây dựng văn hóa giao thông.

Trên cơ sở những quy định của Pháp luật về an toàn giao thông, các cấp Ủy Đảng, chính quyền chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai các biện pháp thiết thực hiệu quả, nhằm cụ thể hóa các hoạt động phù hợp với điều kiện thực tiễn tại đơn vị mình. Theo đó, những năm gần đây trên địa bàn việc triển khai các mô hình bảo đảm an toàn giao thông hướng tới xây dựng văn hóa giao thông đã và đang được nhiều tổ chức, cơ quan, đơn vị doanh nghiệp thực hiện như: Chương trình “Vòng tay nhân ái, chia sẻ nỗi đau tai nạn giao thông” ; “Chương trình hỗ trợ mũ bảo hiểm cho học sinh lớp 1 với chủ đề “Giữ trọn ước mơ” do Công ty Hon đa Việt Nam phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai thực hiện. Hay như mô hình “Đi đến trường an toàn  - về đến nhà an toàn” , “Xếp hàng đón con”, xây dựng “Cổng trường an toàn” đã được các trường học trên địa bàn triển khai thực hiện rộng rãi. Đặc biệt hàng năm, nhân “Ngày Thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông” Ban An toàn tỉnh, thành phồ đều lựa chọn đại diện các gia đình ở các phường để thăm hỏi, trao quà, động viên gia đình, thân nhân tai nạn, tử nạn giao thông ở các phường. Hoạt động này thể hiện tính nhân văn sâu sắc, nhằm chia sẻ yêu thương, cảm thông với những nỗi đau thương mất mát  của các gia đình nạn nhân tử tai nạn giao thông, qua đây nhằm nhắc nhở, cảnh báo mọi người trong xã hội nêu cao ý thức tự giác chấp hành quy định về an toàn giao thông.
Điều quan trọng trong xây dựng ý thức giao thông là sự quan tâm giáo dục trực tiếp hàng ngày từ mỗi gia đình người thân đối với các thành viên trong nhà. Thực tế hầu hết ở các gia đình cha mẹ, người lớn thường nhắc nhở con em mình đội ngũ bảo hiểm, đi cẩn thận, không vội vã khi đến trường học hoặc tham gia giao thông. Mỗi khi đưa, đón con đi học về, hay khi tham gia giao thông, thì các bậc cha mẹ, những người lớn cần chấp hành nghiêm quy định về giao thông, thực hiện văn hóa nhường đường,  không chen lấn, xô đẩy nhau khi tham gia giao thông. Khi đi xe buýt thì nên nhường ghế ngồi cho người cao tuổi, hay phụ nữ, trẻ em, giúp đỡ người khuyết tật…v.v... Những lời nhắc nhở, dặn dò của các bậc cha mẹ và người thân trong gia đình có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với con cái, các trẻ em nhỏ. Chính những lời nhắc nhở đó dần dần hình thành ý thức văn hóa giao thông trong các thế hệ trẻ.
Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn giao thông mỗi người dân trên địa bàn cần phát huy vai trò trách nhiệm xây dựng văn hóa giao thông an toàn thông qua việc chấp hành nghiêm Luật giao thông đường bộ và những quy định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng.

Nguồn: Báo Bắc Ninh