Thống kê truy cập
Vì an toàn, hạnh phúc nhân dân, vì một Bắc Ninh phát triển
Sau hơn 1 năm thực hiện chủ trương của Đảng ủy Bộ Công an và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh về thí điểm xây dựng “Tỉnh an toàn giao thông” (ATGT) đã đạt nhiều kết quả nổi bật, không chỉ góp phần tích cực vào sự phát triển của tỉnh, mang lại sự an toàn cho nhân dân mà qua đó rút ra những kinh nghiệm để nhân rộng mô hình trong cả nước. Nhân dịp sơ kết 1 năm xây dựng “Tỉnh ATGT”, Báo Bắc Ninh có cuộc phỏng vấn Đại tá Phạm Văn Lương, Phó Giám đốc Công an tỉnh.
Phóng viên: Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng “Tỉnh ATGT” có ý nghĩa như thế nào đối với Bắc Ninh, thưa đồng chí?
Đồng chí Phạm Văn Lương: Tỉnh Bắc Ninh là địa bàn có dân số đông (gần 1,5 triệu người, với gần 450 nghìn lao động nhập cư), diện tích bé, lưu lượng phương tiện từ các tỉnh khác qua địa bàn lớn, tiềm ẩn nguy cơ gia tăng tai nạn giao thông (TNGT). Hạ tầng giao thông chưa tương xứng với quy mô nền kinh tế và mật độ phương tiện (mỗi tháng có gần 1.300 xe ô tô, 2.000 xe máy đăng ký mới); còn nhiều bất cập về tổ chức giao thông; ý thức tham gia giao thông chưa cao.
Thực hiện chủ trương của Đảng ủy Công an Trung ương về việc lựa chọn tỉnh Bắc Ninh thí điểm xây dựng Tỉnh ATGT do có vị trí địa lý chính trị, là cửa ngõ của Thủ đô Hà Nội, diện tích, dân số phù hợp, hệ thống giao thông tương đối hoàn thiện, kinh tế, văn hóa phát triển, thích hợp để thí điểm triển khai tỉnh ATGT. Ngày 15/3/2023, BTV Tỉnh ủy Bắc Ninh ban hành Nghị quyết số 87-NQ/TU về xây dựng “Tỉnh an toàn giao thông”, UBND tỉnh Bắc Ninh ban hành Kế hoạch số 71/KH-UBND ngày 24/3/2023 về xây dựng “Tỉnh an toàn giao thông” với 05 mục tiêu chính là: (1) Thay đổi diện mạo tình hình TTATGT; (2) Lấy con người làm trung tâm, là trọng tâm, là chủ thể, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản khi tham giao thông; (3) Khơi dậy niềm tự hào, hình thành đặc trưng “Văn hóa giao thông” của người Bắc Ninh; (4) Khắc phục triệt để các bất cập trong tổ chức giao thông, quản lý chặt chẽ hoạt động vận tải, đào tạo lái xe, kiểm định phương tiện; (5) Ứng dụng triệt để công nghệ trong xử lý vi phạm giao thông. Trong đó, phải tạo chuyển biến trước hết từ hệ thống chính trị, lan tỏa đến các tổ chức, doanh nghiệp, trường học, tổ dân phố, thôn xóm, các dòng họ, tôn giáo và nhân dân.
Nút giao Tây Nam thành phố Bắc Ninh được đầu tư đồng bộ, hiện đại kết nối cao tốc Hà Nội - Bắc Giang và Quốc lộ 18.
Nghị quyết về xây dựng “Tỉnh ATGT” là cần thiết và đúng với quan điểm chỉ đạo, tinh thần chung của Đảng bộ tỉnh là lấy an toàn, hạnh phúc của người dân là trung tâm, là nhiệm vụ, mục tiêu để phát triển kinh tế - xã hội. Đây cũng là lần đầu tiên Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết chuyên đề về “Tỉnh ATGT”, là Nghị quyết toàn diện và tổng thể về công tác đảm bảo trật tự ATGT; hình thành văn hóa giao thông của người Bắc Ninh… góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm an toàn, hạnh phúc nhân dân một cách bền vững, lâu dài.
Phóng viên: Để Nghị quyết đi vào cuộc sống, công tác quán triệt, tuyên truyền được triển khai như thế nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Phạm Văn Lương: Sau hơn 1 năm triển khai nhận được sự quan tâm, vào cuộc thực hiện của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và sự ủng hộ, đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, các lực lượng xã hội. Có được kết quả này là do công tác quán triệt, tuyên truyền được quan tâm, triển khai mạnh mẽ và sự vào cuộc, quyết tâm rất cao của cả hệ thống chính trị.
Ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai bằng hình thức trực tiếp trên sóng truyền hình tỉnh đến các chi bộ, khu phố, thôn xóm và trực tuyến với 260 điểm cầu, 16.600 đại biểu và trên 300.000 người dân nghiên cứu, học tập trực tiếp. 100% các ban, sở, ngành, đoàn thể, các huyện, thị xã, thành phố ban hành Kế hoạch, chương trình tổ chức thực hiện theo phạm vi chức năng, nhiệm vụ và chỉ đạo cấp dưới thực hiện; thành lập Tổ Thường trực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp và chỉ đạo UBND cấp xã tổ chức quán triệt đến từng chi bộ, khu phố, thôn xóm, đoàn thể…
Các ban, sở, ngành, đoàn thể tổ chức cho cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức, người lao động ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về trật tự ATGT; bổ sung vào quy chế quản lý cán bộ nội dung xem xét trách nhiệm, xử lý nghiêm theo đúng quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước đối với tập thể cấp ủy, lãnh đạo cơ quan quản lý Nhà nước, người đứng đầu không thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong công tác bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn, lĩnh vực phụ trách... Các địa phương, cơ sở xây dựng và duy trì nhiều mô hình bảo đảm ATGT…
Lực lượng CSGT hướng dẫn học sinh đội mũ bảo hiểm đúng cách.
Công tác tuyên truyền về xây dựng “Tỉnh ATGT” gắn với xây dựng Bộ quy tắc văn hóa giao thông của người Bắc Ninh được đẩy mạnh dưới nhiều hình thức, bao trùm đầy đủ các nhóm đối tượng, từ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đến cơ quan, doanh nghiệp, công nhân, người lao động, học sinh, sinh viên, tăng ni, phật tử, giáo dân, gia đình, dòng họ...
Trong đó, đã nhận diện và tập trung tuyên truyền đúng vào nhóm đối tượng có tỷ lệ TNGT, vi phạm giao thông cao (Công nhân, lao động ngoại tỉnh, lái xe...). Đồng thời, đã ưu tiên các giải pháp đảm bảo TTAGT đối với nhóm học sinh, sinh viên để hình thành văn hóa giao thông của người Bắc Ninh bền vững, lâu dài trong nhiều thế hệ; điển hình, tổ chức ra mắt mô hình “Nhà xe học sinh, sinh viên ATGT” tại Trường THPT Hàn Thuyên, đến nay nhân rộng tại 38 cơ sở giáo dục.
Các đầu ngõ, xóm, thôn, khu phố; ngã ba, ngã tư, nhà văn hóa thôn, cổng trường học, KCN, CCN, làng nghề… đều có logo “Đã uống rượu, bia không lái xe” tạo nét đặc trưng riêng có của Bắc Ninh.
Phóng viên: Xin đồng chí đánh giá khái quát về kết quả đạt được sau một năm thực hiện Nghị quyết?
Đồng chí Phạm Văn Lương: Sau hơn 1 năm triển khai xây dựng tỉnh an toàn giao thông theo Nghị quyết số 87 của BTV Tỉnh ủy đã đạt được những mục tiêu, kết quả rất quan trọng:
- Đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; được sự đồng tình, ủng hộ của các cấp các ngành, các cơ quan, đơn vị, và nhân dân trong tỉnh trong công tác bảo đảm TTATGT (đây là nội dung rất quan trọng để có thể xây dựng thành công tỉnh ATGT).
- Phát huy được hiệu quả công tác tuyên truyền với nhiều hình thức khác nhau, và đặc biệt mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương đều thực hiện tốt công tác này; triển khai thực hiện có hiệu quả 06 bộ tiêu chí về ATGT; xây dựng thành công nhiều mô hình tự quản về TTATGT như: “xếp hàng đón con”; “cổng trường an toàn giao thông”; “nhà xe học sinh, sinh viên ATGT”; nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, bảo đảm TTATGT đối với học sinh sinh viên.
- Ứng dụng được khoa học, công nghệ vào công tác bảo đảm TTATGT, nhất là công tác xử lý vi phạm TTATGT, do đó chất lượng, hiệu quả công tác xử lý vi phạm được nâng lên rõ rệt; đặc biệt chúng tôi đã kiểm soát quyết liệt, hiệu quả đối với vi phạm về tốc độ và nồng độ cồn..., xây dựng thành công văn hóa “đã uống rượu, bia, không lái xe”; việc kiểm soát có hiệu quả các hành vi này trực tiếp góp phần phòng ngừa, làm giảm TNGT trên các tuyến giao thông.
- 100% điểm đen TNGT được khắc phục, giải quyết một cách triệt để; đã triển khai lắp đặt 100% gờ giảm tốc từ ngõ ra đường chính; các bất cập về tổ chức giao thông do lực lượng Công an kiến nghị cơ bản được giải quyết, những nội dung chưa thực hiện đều có phương hướng lộ trình cụ thể, rõ ràng.
- Các điểm nóng, điểm phức tạp về TTATGT (như nút giao cầu Ngà, nút giao Cầu Hồ, nút giao cầu Như Nguyệt, nút giao cầu Bồ Sơn...), đều được chỉ đạo giải quyết kịp thời, hạn chế tối đa tình trạng ùn tắc giao thông.
- Ý thức chấp hành pháp luật của người dân được nâng lên; tích cực ủng hộ, hỗ trợ các lực lượng chức năng trong công tác bảo đảm TTATGT.
- Kết quả quan trọng nhất là TNGT được kiềm chế và làm giảm trên cả 03 tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương). Cụ thể: 01 năm triển khai xây dựng Tỉnh ATGT: Tai nạn giao thông giảm sâu so với cùng kỳ năm trước: Giảm 86 vụ (=16%), giảm 53 người chết (=19,7%), giảm 71 người bị thương (=19,1%).
Có thể nói, đây là chủ trương đúng đắn, kịp thời, bước đầu làm thay đổi bộ mặt TTATGT của tỉnh (một số bất cập về tổ chức giao thông tồn tại nhiều năm trước đây, khi có Tỉnh ATGT thì mới khắc phục được). Nghị quyết Tỉnh ATGT được đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy đánh giá là một Nghị quyết triển khai thực chất, toàn diện, đi vào cuộc sống nhất từ trước tới nay.
Phóng viên: Thời gian tới tỉnh cần tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm gì, thưa đồng chí?
Đồng chí Phạm Văn Lương: Bảo đảm trật tự ATGT, giảm tai nạn, ùn tắc giao thông luôn là vấn đề bức thiết, nhất là đối với Bắc Ninh đang hướng tới mục tiêu trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương, đô thị thông minh. Trong thời gian tới, cần kiên định mục tiêu, giữ vững và phát huy kết quả đạt được và tiếp tục triển khai các nhiệm vụ xây dựng “Tỉnh ATGT”, Bộ quy tắc văn hóa giao thông của người Bắc Ninh, coi đây là việc làm thường xuyên, lâu dài. Trước mắt, cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là: Cần xác định đảm bảo trật tự ATGT, xây dựng “Tỉnh ATGT”, xây dựng văn hóa giao thông là nhiệm vụ quan trọng, vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển kinh tế- xã hội, thu hút đầu tư, nâng cao đời sống nhân dân từ đó triển khai thực hiện bằng các giải pháp cụ thể, thiết thực, hiệu quả; có kiểm điểm, đánh giá việc thực hiện từng tuần, hằng tháng. Tiếp tục đẩy mạnh công tác quán triệt, tuyên truyền, coi đây là việc làm lâu dài, kiên trì, kiên quyết…
Hai là: Các cấp, ngành hữu quan nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phát triển giao thông thông minh; xây dựng mô hình TOD lấy giao thông công cộng là trung tâm để phát triển đô thị. Vận dụng linh hoạt các cơ chế, tranh thủ sự giúp đỡ, tạo điều kiện của các bộ, ngành Trung ương để thu hút các nguồn lực cho đầu tư hạ tầng giao thông (sân bay Gia Bình, đường sắt trên cao, đường Vành đai 4; Quốc lộ 18 mới…) đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới và công tác bảo đảm trật tự ATGT. Thường xuyên rà soát, xử lý triệt để những bất cập trong tổ chức giao thông. Các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát, kiên quyết xử lý vi phạm nhằm thiết lập kỷ cương, trật tự ATGT…
Ba là: Nhân rộng mô hình hay, cách làm sáng tạo, đồng thời khuyến khích, động viên các cấp, ngành hữu quan, các tổ chức, cá nhân có những sáng tạo trong xây dựng mô hình, nhất là trong các dòng họ, khu phố, khu công nghiệp, trường học… để tiếp thu, nghiên cứu, áp dụng vào thực tế.
Bốn là: Mỗi cán bộ, đảng viên nêu cao tinh thần, trách nhiệm gương mẫu, chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về ATGT, trong thực hiện Bộ quy tắc văn hóa giao thông của người Bắc Ninh; không can thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm. Người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm, tuân thủ các qui định về bảo đảm ATGT vì sự an toàn cho chính mình và xã hội, vì sự phát triển của quê hương, đất nước.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Chuyển biến rõ nét trong ý thức của người tham gia giao thông
Sau một năm thực hiện Nghị quyết 87, ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người dân đã có sự chuyển biến rõ nét, những hiện tượng tiêu cực khi tham gia giao thông giảm hẳn, cùng với đó nét văn hóa giao thông của người Bắc Ninh đã và đang hình thành. Đây là những kết quả cần được nhân rộng, phát huy trong giai đoạn tiếp theo của kế hoạch xây dựng “Tỉnh ATGT”.
Ban ATGT tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự ATGT, lựa chọn nội dung sát thực, gần gũi với từng đối tượng. Chủ động làm tốt công tác tham mưu cho tỉnh ban hành các kế hoạch về tăng cường công tác bảo đảm trật tự ATGT; rà soát bất cập trong tổ chức giao thông, có giải pháp kịp thời xóa các điểm tiềm ẩn TNGT; thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn các địa phương xử lý vi phạm hành lang ATGT và kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; cùng các ngành thành viên Tổ thường trực xây dựng “Tỉnh ATGT” tích cực đóng góp, đưa ra giải pháp thiết thực kéo giảm TNGT… góp phần tạo dư luận tốt, đồng tình, ủng hộ trong các tầng lớp nhân dân.
Tình trạng ùn tắc giao thông giảm rõ rệt
Triển khai mô hình “Tỉnh ATGT”, công tác bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn phường có sự chuyển biến tích cực, ý thức của các tầng lớp nhân dân không ngừng được nâng lên. Địa bàn phường có gần 3km QL.17 chạy qua, tập trung nhiều trường học, khu công nghiệp Thuận Thành 3, cụm công nghiệp Thanh Khương, chợ Dâu… nên trước đây, nhất là vào giờ cao điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc do lượng người tham gia giao thông lớn.
Triển khai mô hình “Tỉnh ATGT” với nhiều giải pháp đồng bộ như: Phối hợp lực lượng Công an phân luồng, điều tiết giao thông; đa dạng hóa nội dung, hình thức tuyên truyền trên loa phát thanh, hội nghị, trực quan bằng pano, khẩu hiệu; tổ chức ký cam kết về chấp hành Luật Giao thông đường bộ… tạo chuyển biến rõ rệt trong ý thức của người dân khi tham gia giao thông, tình trạng ùn tắc giao thông giảm rõ rệt.
Chung tay bảo đảm an toàn giao thông trong trường học
Xây dựng “Trường ATGT”, “Nhà xe học sinh ATGT”… là một trong những mô hình điển hình nhằm cụ thể hóa xây dựng “Tỉnh ATGT” để trang bị kiến thức, kỹ năng cho học sinh tham gia giao thông an toàn.
Ban Giám hiệu, Ban ATGT nhà trường chỉ đạo rà soát, triển khai nhiều biện pháp cụ thể như: Phối hợp với lực lượng Cảnh sát Giao thông tuyên truyền, giáo dục pháp luật, kỹ năng về ATGT cho học sinh; tổ chức ký cam kết với phụ huynh học sinh và học sinh về việc chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông... Nhà trường không có học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ phải xử lý hành chính, không có học sinh bị tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Thời gian tới, nhà trường tiếp tục duy trì, đổi mới hoạt động của mô hình, nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho học sinh, góp phần tích cực vào hình thành đặc trưng “văn hóa giao thông” của người Bắc Ninh-Kinh Bắc.
Thượng tôn pháp luật để bảo đảm an toàn giao thông
Thời gian qua, lực lượng chức năng và các cấp chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền chủ trương xây dựng “Tỉnh ATGT”, tích cực xây dựng văn hóa giao thông trên tinh thần thượng tôn pháp luật…
Làm công việc lái xe hàng ngày, tôi cảm thấy yên tâm hơn khi lực lượng chức năng thường xuyên có mặt làm nhiệm vụ giám sát, điều tiết, chống ùn tắc ở những tuyến giao thông đông đúc vào các khung giờ cao điểm. Đặc biệt là việc quyết liệt xử lý các vi phạm giao thông, tăng cường “phạt nguội”… đã tác động mạnh mẽ đến nhận thức và ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người dân. Bản thân tôi luôn thực hiện nghiêm túc các quy định, tuyệt đối “đã uống rượu bia không lái xe”, không phóng nhanh, vượt ẩu, hình thành thói quen nhường nhịn, ứng xử văn minh khi tham gia giao thông.
- HND Tiên Du khánh thành và bàn giao nhà Nghĩa tình Nông dân (01/11/2024 21:30)
- Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11/2024 (01/11/2024 08:57)
- Hội nghị công bố tỉnh Bắc Ninh không còn hộ nghèo (01/11/2024 08:54)
- Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang vi phạm nồng độ cồn, không hợp tác với lực lượng chức năng trong xử lý vi phạm (01/11/2024 08:51)
- Góp sức làm nên thành công trong xây dựng Tỉnh ATGT (29/10/2024 14:14)
- Chuyển đổi số trong bảo đảm trật tự an toàn giao thông (05/09/2024 08:43)
- Xây dựng văn hóa giao thông tại khu vực trường học (30/08/2024 07:58)
- Bảo đảm trật tự an toàn giao thông kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2-9 (30/08/2024 07:56)
- Bảo đảm an toàn giao thông học đường (29/08/2024 15:35)
- Tai nạn giao thông tăng về số vụ, số người bị thương (26/08/2024 08:33)