bn-current-user-online-portlet

Online : 4297
Total visited : 151065607

Bắc Ninh ban hành kế hoạch hành động Thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững

07/07/2022 09:42 View Count: 158

UBND tỉnh Bắc Ninh vừa ban hành Kế hoạch số 340/KH-UBND, ngày 24/6/2022 về thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

Theo đó, tỉnh Bắc Ninh đề ra mục tiêu: xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa đồng thời phát triển nông nghiệp dựa trên lợi thế địa phương, theo hướng hiện đại có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, ổn định kinh tế - xã hội, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống, vai trò và vị thế của người tham gia sản xuất nông nghiệp; tạo việc làm phi nông nghiệp để phát triển sinh kế đa dạng, giảm nghèo bền vững cho người dân nông thôn. Phát triển nông thôn toàn diện, hiện đại gắn với quá trình đô thị hóa, có cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội đồng bộ và tiệm cận với khu vực đô thị; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; xây dựng nông thôn xanh, sạch, đẹp, an ninh, trật tự được đảm bảo; gắn phát triển sản xuất nông nghiệp với du lịch và xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.


Phát triển nông nghiệp công nghệ cao nhằm hướng đến nền nông nghiệp hiện đại

Cụ thể, trong Giai đoạn 2021-2025: Tốc độ tăng trưởng GRDP nông, lâm nghiệp và thủy sản bình quân đạt từ 1,0 - 1,2%; cơ cấu tỷ trọng nông lâm nghiệp và thủy sản còn 2,3%. Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm còn dưới 10%. Đến hết năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,6% và nằm trong tốp 10 tỉnh, thành phố có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất toàn quốc. Tỷ lệ che phủ rừng được duy trì ổn định, trồng mới 1,5 triệu cây xanh phân tán trên địa bàn tỉnh. 100% các xã duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới; có ít nhất 02 huyện và 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Đến năm 2030: Tốc độ tăng trưởng GRDP nông lâm thuỷ sản đạt bình quân 0,8-1,0%/năm; cơ cấu tỷ trọng nông lâm nghiệp và thủy sản còn 1,5%. Không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2021-2025. Phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn. 100% các xã duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới; có khoảng 65% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trên 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; công nhận ít nhất 100 mô hình khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu; có ít nhất 03 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao/huyện nông thôn mới kiểu mẫu.

Tầm nhìn đến năm 2050: Nông nghiệp phát triển với công nghệ tiên tiến, sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, phát triển các sản phẩm nông nghiệp mới, công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Người dân nông thôn có mức sống cao, có điều kiện sống xanh, sạch, đẹp ngang với các đô thị văn minh, góp phần chuyển đổi nền kinh tế theo hướng kinh tế tuần hoàn.

Các giải pháp chính nằm trong Kế hoạch bao gồm: (1) Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong giai đoạn phát triển mới. (2) Đổi mới tổ chức sản xuất kinh doanh, hoàn thiện quan hệ sản xuất. (3) Nâng cao chất lượng đào tạo nghề; trình độ, hiệu quả công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. (4) Phát triển thị trường, xúc tiến thương mại đảm bảo đầu ra ổn định cho nông sản. (5) Xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng  nông nghiệp, nông thôn ngày càng hiện đại, đảm bảo tăng cường liên kết vùng, đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất nông nghiệp bền vững, hiện đại. (6) Đổi mới và nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. (7) Thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. (8) Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý rủi ro. (9) Tiếp tục triển khai có hiệu quả hệ thống cơ chế, chính sách của Trung ương ban hành đồng thời tiếp tục nghiên cứu, rà soát nâng cao chất lượng xây dựng cơ chế chính sách đặc thù của địa phương. (10) Giám sát, đánh giá./.

Nguyễn Thu