bn-current-user-online-portlet

Online : 3607
Total visited : 150778958

Cụ thể hoá các chính sách giải quyết ô nhiễm môi trường làng nghề

03/06/2023 15:56 View Count: 54

 

HĐND tỉnh vừa ban hành Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐND ngày 30-3-2022 quy định một số chính sách đầu tư, hỗ trợ xử lý ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn, làng nghề trên địa bàn tỉnh. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường làng nghề vốn đã tồn đọng từ nhiều năm ở hầu hết các làng nghề trong tỉnh.

Đề án tổng thể bảo vệ môi trường tỉnh giai đoạn 2019-2025 đặt mục tiêu: 100% các làng nghề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý ô nhiễm triệt để vào năm 2025. Đây là bài toán khó, nhưng bắt buộc phải thực hiện vì mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh.
Thực hiện sự chỉ đạo gắt gao của tỉnh, sự vào cuộc đồng bộ của các sở, ngành chức năng, hiện nay các địa phương có làng nghề đã, đang thực hiện các phần việc: Lập và tổ chức triển khai thực hiện các Dự án xử lý ô nhiễm môi trường tại các làng nghề bị ô nhiễm nghiêm trọng; xây dựng và tổ chức thực hiện phương án bảo vệ môi trường làng nghề; thành lập Tổ tự quản về bảo vệ môi trường; xây dựng hương ước, quy ước về bảo vệ môi trường trong đó có nội dung về bảo vệ môi trường tại các làng nghề; rà soát các điều kiện về bảo vệ môi trường ở tất cả các làng nghề trong tỉnh để có giải pháp xử lý thoả đáng; xây dựng kế hoạch phát triển làng nghề, kế hoạch chuyển đổi ngành nghề hoặc di dời sản xuất ra khỏi khu dân cư đối với cơ sở sản xuất không thuộc ngành nghề được khuyến khích phát triển và gây ô nhiễm môi trường; thanh tra, kiểm tra thường xuyên, liên tục các cơ sở sản xuất trong làng nghề, yêu cầu thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, đầu tư các công trình xử lý nước thải, khí thải theo quy định, ký hợp đồng và chuyển giao các loại chất thải rắn, chất thải nguy hại phát sinh với đơn vị có đủ chức năng xử lý, xử phạt nghiêm khắc đối với các cơ sở gây ô nhiễm …
Tuy nhiên, ô nhiễm môi trường tại các làng nghề vẫn đang là mối lo ngại lớn nhất trong chiến lược làm sạch môi trường của tỉnh. Bởi hầu hết các làng nghề chưa được quy hoạch, vẫn mang tính tự phát, công nghệ lạc hậu, nguyên liệu chủ yếu là phế liệu, sản xuất thủ công, nên sản phẩm đơn giản, năng suất, chất lượng chưa cao, gia tăng ô nhiễm môi trường nếu không được ngăn chặn, xử lý kịp thời. Hầu hết cơ sở sản xuất trong các làng nghề không đầu tư xây dựng các công trình xử lý đối với các loại chất thải phát sinh, hoặc có đầu tư nhưng không vận hành thường xuyên, nhiều công trình xử lý chưa đạt chuẩn, khiến chất lượng môi trường nước, không khí, chất thải rắn tại một số làng nghề vượt Quy chuẩn Việt Nam cho phép nhiều lần, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và chất lượng cuộc sống của người dân làng nghề.

Sông Ngũ Huyện Khê-nơi chứa nguồn thải của các cơ sở sản xuất làng nghề giấy Phong Khê (thành phố Bắc Ninh) đã trong xanh trở lại.


Xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề, nhất là thực trạng môi trường ở các làng nghề bị ô nhiễm nghiêm trọng luôn được xem là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong công tác bảo vệ môi trường chung của tỉnh. Chính vì vậy, nhiều chính sách hỗ trợ xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề đã được ban hành và cụ thể hoá vào thực tiễn. Theo Đề án tổng thể bảo vệ môi trường tỉnh, giai đoạn 2019-2025 cho thấy, tổng kinh phí để tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất trong các làng nghề, khu dân cư giai đoạn 2019- 2025 lên đến 7 tỷ đồng (100% ngân sách Nhà nước). Kinh phí để xử lý các làng nghề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được chú trọng đầu tư theo hình thức xác định từng dự án cụ thể. Trong đó, Nhà nước hỗ trợ 80% tổng kinh phí thực hiện, 20% còn lại do doanh nghiệp, cơ sở phát sinh chất thải đóng góp. Đặc biệt, Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐND ngày 30-3-2022 của HĐND tỉnh đã quy định cụ thể mức hỗ trợ kinh phí để xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề như sau: Sẽ hỗ trợ 100% kinh phí thu gom, xử lý chất thải rắn làng nghề tồn đọng từ trước đến thời điểm dự án được tỉnh phê duyệt. Nguồn kinh phí thực hiện theo phân cấp quản lý ngân sách Nhà nước và nguồn xã hội hóa; hỗ trợ đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung khu vực nông thôn, làng nghề, ưu tiên đầu tư khu vực ô nhiễm môi trường ở các làng nghề bị ô nhiễm nghiêm trọng... Đồng thời các chính sách về xây dựng báo cáo điều chỉnh, bổ sung quy hoạch CCN, CCN làng nghề… cũng đang được triển khai.
Từ các chính sách hỗ trợ của tỉnh, nguồn xã hội hoá, một số dự án xử lý ô nhiễm môi trường bước đầu triển khai có hiệu quả. Cụ thể, Nhà máy xử lý nước thải Phong Khê (thành phố Bắc Ninh) đã vận hành, nâng công suất xử lý từ 200-600m3/ngày đêm lên đến 2.000m3/ngày, đêm bảo đảm xử lý nước thải cho 198 cơ sở sản giấy tại khu vực xứ Đồng Ngòi, CCN Phong Khê I, khu Đào Xá; chất lượng nước thải sau xử lý đạt cột A đúng quy chuẩn. Thành phố Bắc Ninh tiếp tục tiến hành cải tạo hệ thống xử lý nước thải làng nghề bún Khắc Niệm công suất 400 m3/ngày đêm; xây dựng phương án cải tạo, hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải làng nghề Phong Khê giai đoạn 1, công suất 5.000 m3/ngày đêm. Thành phố Từ Sơn đang thực hiện lộ trình chuyển đổi CCN Dốc Sặt thành đất ở đô thị theo đúng chủ trương của tỉnh. Các huyện Gia Bình, Lương Tài, thị xã Thuận Thành, Quế Võ triển khai xây dựng phương án bảo vệ môi trường làng nghề; thành lập tổ tự quản bảo vệ môi trường làng nghề. Riêng huyện Yên Phong đang gấp rút triển khai Dự án thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn tồn đọng tại làng nghề Mẫn Xá, xã Văn Môn; Dự án đầu tư xây dựng khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải làng nghề Mẫn Xá, diện tích 3,8ha; đầu tư xây dựng CCN làng nghề Mẫn Xá để di chuyển các cơ sở trong làng nghề ra CCN…
Hiện nay, tỉnh đang tích cực chỉ đạo các địa phương có làng nghề bị ô nhiễm nghiêm trọng thực hiện có hiệu quả các Đề án tổng thể xử lý ô nhiễm môi trường tại làng nghề xã Văn Môn (Yên Phong); làng nghề giấy Phong Khê, bún Khắc Niệm (thành phố Bắc Ninh) đã được phê duyệt. Tin tưởng rằng với những chủ trương, chính sách đúng đắn cùng sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh sẽ giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm ở các làng nghề, bảo đảm các yếu tố môi trường bền vững, thúc đẩy sản xuất phát triển và an dân.

HOÀI 

Source: Báo Bắc Ninh