bn-current-user-online-portlet

Online : 2657
Total visited : 150736172

Nhân cái đẹp, dẹp cái xấu trong xây dựng văn hóa giao thông

07/06/2024 15:44 View Count: 14

 

Xây dựng văn hóa giao thông là một nội dung quan trọng của xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh. Đó vừa là động lực, vừa là mục tiêu nền tảng để xây dựng hệ thống giao thông Bắc Ninh hiện đại, văn minh và môi trường giao thông an toàn, hiệu quả.

Qua hơn 1 năm thực hiện xây dựng “Tỉnh an toàn giao thông”, Bắc Ninh triển khai đồng loạt giải pháp “cứng và mềm”, nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước, nâng cấp hạ tầng giao thông hiện đại, thông minh, đồng bộ tạo thuận tiện khi lưu thông; chủ động, kịp thời khắc phục bất cập về giao thông; vừa kết hợp chế tài, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật, vừa đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông phù hợp đến từng đối tượng.

Người dân tham gia giao thông tại nút giao đường Lý Thái Tổ với đường Huyền Quang (thành phố Bắc Ninh).


Tỉnh ban hành Bộ Quy tắc “văn hóa giao thông” của người Bắc Ninh nhằm khuyến khích người tham gia giao thông tự giác chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, không uống rượu, bia khi lái xe, không chen lấn khi tham gia giao thông, đi đúng làn đường, dừng, đỗ xe đúng quy định; thường xuyên rèn luyện, bổ trợ kỹ năng vận hành xe an toàn; cập nhật các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông… Kịp thời lên án các hành vi tiêu cực, hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông; tích cực đề xuất các sáng kiến trong lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Văn hóa giao thông được biểu hiện cụ thể, dễ dàng nhìn thấy và cảm nhận được nhưng lại không thể định lượng hay cân đong đo đếm. Chính vì vậy, công tác tuyên truyền vận động, hình thành nếp sống chuẩn mực văn hóa giao thông luôn được xem là giải pháp quan trọng và có ý nghĩa thiết thực. Thời gian qua, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh phối hợp tích cực với các cơ quan chức năng, chủ động tham mưu và triển khai thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền với phong phú hình thức cổ động trực quan, sản xuất chương trình sân khấu hóa, tổ chức các đợt chiếu phim và tuyên truyền lưu động ở cơ sở và căng treo hàng nghìn m2 pano tấm lớn với nội dung tuyên truyền về bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Sở chỉ đạo các đơn vị trực thuộc lồng ghép nội dung tuyên truyền về xây dựng Bắc Ninh là tỉnh an toàn giao thông trong các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ như: Xây dựng các mô hình khu dân cư văn hóa tiêu biểu về an toàn giao thông; đưa nội dung xây dựng văn hóa giao thông vào hương ước, quy ước và xác định là một trong những tiêu chí bình xét danh hiệu văn hóa.
Nói đến văn hóa giao thông là nói đến ý thức, nếp sống, phép ứng xử văn minh của người điều khiển phương tiện giao thông. Thực tiễn cho thấy, văn hóa giao thông biểu hiện từ việc chấp hành nghiêm quy định, đi đúng làn đường, phần đường, không vượt đèn đỏ, không đi ngược chiều, đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô xe máy cho đến văn hóa bấm còi xe, nhường đường cho người đi bộ. Cũng có khi được thể hiện qua hành động của người trẻ nhường ghế cho người già và em nhỏ trên xe buýt; lời xin lỗi khi xảy ra va chạm trên đường; hoặc qua một mảnh giấy để lại số điện thoại khi vô tình chạm xước xe của người khác; hay đơn giản như cái nháy đèn, gật đầu cảm ơn khi được nhường đường; rồi nhắc ai đó quên gạt chân chống xe, không vứt rác ra đường...
Trong dòng chảy đời sống hàng ngày không thiếu những điều tốt đẹp như thế, song tiếc là cái đẹp dường như bị xem nhẹ, ít được quan tâm và bị lấn lướt, bủa vây giữa biển thông tin tràn lan muôn màu muôn vẻ. Do đó, đẩy mạnh truyên truyền, tôn vinh và nhân rộng những hành động tử tế, ứng xử văn minh sẽ khiến những hành động tiêu cực, sai phạm, hình ảnh xấu xí trở thành lạc lõng, bị tẩy chay và sớm được loại bỏ.
Ứng xử văn minh trong tham gia giao thông không chỉ thể hiện nét đẹp của người Bắc Ninh - Kinh Bắc mà còn trở thành “bùa hộ mệnh”, bảo vệ chính bản thân mỗi chúng ta và cộng đồng. Hình thành nếp sống chuẩn mực văn hóa giao thông, ý thức tự giác chấp hành pháp luật và ứng xử văn minh khi tham gia giao thông chắc chắn những hệ lụy khi va chạm, hay tai nạn giao thông sẽ được kiềm chế và kéo giảm. Mỗi người dân tự giác nâng cao nhận thức, hiểu biết về luật an toàn giao thông, thay đổi hành vi, thói quen khi tham gia giao thông để cùng cộng đồng xây dựng một xã hội an toàn, văn minh.  

Source: Báo Bắc Ninh