bn-current-user-online-portlet

Online : 2603
Total visited : 151038302

Văn hóa giao thông người Bắc Ninh

30/01/2024 10:04 View Count: 40

Văn hóa giao thông là những ứng xử có văn hóa, văn minh khi tham gia giao thông, là sự hỗ trợ, chia sẻ kịp thời với người cần giúp đỡ, là ý thức chấp hành các qui định bảo đảm trật tự ATGT của mỗi người tham gia giao thông... Với Bắc Ninh đang thực hiện mô hình xây dựng “Tỉnh ATGT”, thì vấn đề văn hóa giao thông càng cần được coi trọng.

Sau 10 tháng thực hiện Nghị quyết số 87 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch số 71 của UBND tỉnh về xây dựng “Tỉnh ATGT” đạt nhiều kết quả nổi bật. Tình hình trật tự ATGT được bảo đảm, ùn tắc, tai nạn giao thông giảm so cùng thời điểm trước khi triển khai; các bất cập trong tổ chức giao thông được rà soát, khắc phục; nhận thức của các cấp, ngành về vấn đề ATGT được nâng lên rõ rệt, ý thức chấp hành quy định về trật tự ATGT của người dân từng bước được nâng cao, văn hóa giao thông văn minh, an toàn từng bước hình thành… Những kết quả này có được nhờ triển khai hàng loạt giải pháp tích cực, trong đó công tác quán triệt, triển khai, tuyên truyền về Nghị quyết, Kế hoạch về xây dựng “Tỉnh ATGT” được đặc biệt chú ý, qua đó tạo đồng thuận, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và mỗi người dân.

Tuyên truyền nâng cao nhận thức của giáo viên, học sinh về vấn đề ATGT, hình thành văn hóa giao thông cho học sinh.

Nhằm hình thành chuẩn mực văn hóa giao thông, ý thức tự giác chấp hành pháp luật và ứng xử văn minh khi tham gia giao thông, xây dựng “Tỉnh ATGT” văn minh, hiện đại, góp phần giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp, xây dựng con người Bắc Ninh văn minh, lịch sự, tỉnh đã ban hành Bộ Quy tắc “Văn hóa Giao thông” của người Bắc Ninh. Theo Bộ quy tắc, các cơ quan quản lý nhà nước về giao thông đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông đến mọi người dân, phù hợp từng đối tượng; thực hiện công tác quản lý với trách nhiệm và kết quả cao hơn nhiệm vụ được giao; chủ động khắc phục những bất cập về tổ chức giao thông, tạo sự thuận tiện và bảo đảm an toàn cho người dân khi tham gia giao thông.
Lực lượng chức năng làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT cần lấy người dân là nguồn lực, động lực, mục tiêu thực hiện phương châm “khi dân cần, dân khó có lực lượng Cảnh sát giao thông”; tổ chức giao thông khoa học, hợp lý, thuận lợi; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm công khai, coi thường pháp luật, phản cảm, tác động tiêu cực đến nhận thức xã hội, nhất là giới trẻ; ứng xử văn minh, không sách nhiễu, tiêu cực khi thi hành công vụ.
Người tham gia giao thông tự giác chấp hành nghiêm pháp luật về trật tự ATGT; đã uống rượu, bia thì không lái xe; không chen lấn khi tham gia giao thông, dừng, đỗ xe đúng quy định; không lạm dụng còi xe gây ô nhiễm tiếng ồn và nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Thường xuyên rèn luyện, bổ trợ kỹ năng vận hành xe an toàn; cập nhật các quy định của pháp luật về trật tự ATGT. Chủ động nhường đường, tôn trọng, giúp đỡ người khác, đặc biệt là người bị nạn, người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em và phụ nữ mang thai. Ứng xử văn minh, lịch sự, có thái độ hợp tác tích cực khi xảy ra va chạm giao thông; chủ động phối hợp với lực lượng chức năng giải quyết các vi phạm về trật tự ATGT và trong công tác sơ cứu, cấp cứu nạn nhân tai nạn giao thông. Ông, bà, cha, mẹ cần làm gương trong việc chấp hành pháp luật và ứng xử văn minh khi tham gia giao thông. Kịp thời lên án các hành vi tiêu cực, hành vi vi phạm pháp luật, tích cực đề xuất sáng kiến bảo đảm trật tự ATGT. Duy trì phương tiện tham gia giao thông an toàn, sạch đẹp, không sơn, dán, vẽ các hình ảnh gây phản cảm, trái quy định của pháp luật...
Theo ông Nguyễn Thanh Phương, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh thì: Văn hóa giao thông phải được hình thành từ quá trình thực hành và thói quen của mỗi người khi ra đường. Với Bắc Ninh, việc tuyên truyền pháp luật về ATGT từ nhiều năm nay đã được coi trọng, qua đó từng bước nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, ngành và người dân đối với vấn đề ATGT. Tuy nhiên, để Bộ Quy tắc “Văn hóa giao thông” của người Bắc Ninh đi sâu vào đời sống thì cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATGT, nội dung của Bộ Quy tắc đến các tầng lớp nhân dân. Các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, doanh nghiệp, trường học tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên, công nhân, học sinh, sinh viên… tích cực thực hiện. Lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm tạo sức răn đe; tổ chức đào tạo kỹ năng lái xe an toàn cho các đối tượng… Bên cạnh đó cũng cần nhân rộng các điển hình, mô hình tiêu biểu trong thực hiện Bộ Quy tắc. Điều quan trọng nhất là mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên các đoàn thể và người dân cần gương mẫu, chấp hành tốt qui định về ATGT, nội dung của Bộ Quy tắc, góp phần tích cực hình thành văn hóa giao thông văn minh, an toàn cho xã hội.

Source: Báo Bắc Ninh