bn-current-user-online-portlet
Nguy cơ mất ATGT từ những “sân phơi” ngoài đường
Hiện nay, nông dân trong tỉnh tập trung thu hoạch lúa. Tình trạng người dân sử dụng lòng, lề đường để phơi nông sản, tuốt lúa và đốt rơm rạ xuất hiện ở nhiều tuyến đường gây mất ATGT, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông, nhất là trong những ngày nắng nóng gay gắt.
Vào mùa gặt, nhiều tuyến đường giao thông bị người dân chiếm dụng làm sân phơi thóc. |
Ghi nhận thực tế trên các tuyến giao thông, đặc biệt là tuyến đường liên huyện, liên xã, liên thôn, một số hộ dân phơi rơm, thóc, đặt các vật cản (gạch đá, cành cây…) ngăn không cho các phương tiện đi vào khu vực phơi thóc, lúa trong phạm vi lòng, lề đường. Đơn cử như đoạn đường trên QL38 qua xã Tân Chi (Tiên Du) xuất hiện những bãi tập kết phơi thóc tràn ra nửa lòng đường. Sát mép đường là những đống rơm chất cao. Theo lời người dân, một vài hôm nữa khi thu hoạch xong rơm khô sẽ tiến hành xử lý đốt để lấy tro. Việc làm này tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông do lòng đường bị thu hẹp, gây ô nhiễm môi trường. Thậm chí, tình trạng rơm rạ cuốn vào có thể làm bó bánh đối với xe máy, gây ra hỏa hoạn khi cuốn vào gầm ô tô, từ đó tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cho người và các phương tiện tham gia giao thông.
Nông dân sử dụng mặt đường thành sân phơi từ lâu đã trở thành chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Lý do được nhiều người dân đưa ra là hiện nay sử dụng máy gặt lúa trong quá trình thu hoạch khiến rơm, rạ được thải ngay ra ngoài đồng khó thu gom; diện tích sân phơi của gia đình chật hẹp, phơi ngoài đường nhanh khô, dễ thu dọn lại không làm bẩn nhà cửa… Trước đây, mỗi khi thu hoạch lúa xong người dân đều tận dụng rơm phục vụ cho việc đun, đốt hoặc làm nguồn thực phẩm dự trữ cho trâu, bò nhưng vài năm trở lại đây chuyển sang dùng bếp ga công nghiệp, bếp điện từ nên mỗi vụ thu hoạch xong lượng rơm, rạ lại được chất thành đống bỏ ngoài đồng, ven đường. Việc người dân phơi, đốt rơm sau thu hoạch không những gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông mà còn trực tiếp gây ô nhiễm môi trường…
Nhiều tuyến đường bị người dân tận dụng làm “sân phơi” thóc gây mất ATGT (ảnh chụp tại phường Khắc Niệm, thành phố Bắc Ninh).
Theo quy định của pháp luật, hành vi phơi thóc, lúa, rơm rạ trên đường bộ bị nghiêm cấm, tùy vào mức độ nguy hiểm và hậu quả xảy ra, người vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, điểm b, khoản 1, Điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt: Phạt tiền từ 100 - 200 nghìn đồng đối với cá nhân, từ 200 - 400 nghìn đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi: Phơi thóc, lúa, rơm, rạ, nông, lâm, hải sản trên đường bộ, đặt máy tuốt lúa trên đường bộ. Bên cạnh đó, người vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại điểm a, khoản 10, Điều 12 của Nghị định này: “Buộc phải thu dọn thóc, lúa, rơm, rạ, nông, lâm, hải sản, thiết bị trên đường bộ”…
Ngoài ra, nếu hành vi phơi thóc, lúa, rơm, rạ trên đường bộ có dấu hiệu cấu thành tội cản trở giao thông đường bộ thì người dân có liên quan phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định. Luật thì đã rõ nhưng đây vẫn là bài toán khó với các ngành chức năng trong việc xử lý các hành vi vi phạm, bởi mức xử phạt không đủ sức răn đe, lực lượng chức năng tại các địa phương còn mỏng nên tình trạng này chưa thể giải quyết dứt điểm.
Nắm bắt tình hình thực tế, Ban ATGT tỉnh có văn bản yêu cầu Ban ATGT các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các lực lượng chức năng như CSGT, công an các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở người dân thực hiện nghiêm quy định Luật Giao thông; không lấn chiếm, sử dụng lòng, lề đường để tuốt lúa, phơi lúa, phơi và đốt rơm rạ; có biện pháp xử lý đối với các trường hợp cố tình vi phạm, đốt rơm rạ làm hư hỏng kết cấu hạ tầng hoặc che chắn gạch đá, sào để chiếm lòng đường phơi lúa, gây tai nạn giao thông, cảnh báo nguy cơ tai nạn giao thông do tuốt lúa, phơi lúa, phơi rơm rạ...
Vẫn biết mùa vụ không phải diễn ra quanh năm, việc đem nông sản ra đường phơi chỉ diễn ra trong vòng 2 - 3 tuần. Tuy nhiên nguy cơ mất ATGT từ thói quen thu hoạch nông sản này là điều ai cũng có thể nhận thấy. Để hạn chế những tai nạn giao thông đáng tiếc có thể xảy ra cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của cơ quan chức năng địa phương và quan trọng hơn cả là ý thức của người dân, góp phần bảo đảm ATGT cho bản thân và cộng đồng.
- HND Tiên Du khánh thành và bàn giao nhà Nghĩa tình Nông dân (01/11/2024 21:30)
- Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11/2024 (01/11/2024 08:57)
- Hội nghị công bố tỉnh Bắc Ninh không còn hộ nghèo (01/11/2024 08:54)
- Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang vi phạm nồng độ cồn, không hợp tác với lực lượng chức năng trong xử lý vi phạm (01/11/2024 08:51)
- Góp sức làm nên thành công trong xây dựng Tỉnh ATGT (29/10/2024 14:14)
- Chuyển biến tích cực từ mô hình “Thị xã an toàn giao thông” ở Thuận Thành (12/06/2024 16:19)
- Nhân cái đẹp, dẹp cái xấu trong xây dựng văn hóa giao thông (07/06/2024 15:44)
- Hội Nông dân phường Bồng Lai đạt giải Ba cuộc thi mô hình, sáng kiến “An toàn giao thông tỉnh Bắc Ninh năm 2023" (04/06/2024 10:39)
- Chung tay xây dựng Thành phố an toàn giao thông (31/05/2024 14:54)
- Bảo đảm các yếu tố giao thông bền vững (31/05/2024 14:53)